Làng Thụy Khuê-vùng đất yêu nước, vùng đất kháng chiến
Làng Thụy Khuê (Quốc Oai-Hà Nội) nổi tiếng là vùng đất có truyền thống yêu nước, kháng chiến. Theo nghĩa tự “Thụy” nghĩa là lành, “Khuê” nghĩa là sáng. Thụy Khuê được hiểu nôm na là miền đất lành, sáng như sao Khuê. Trong cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 2, TS Lưu Minh Trị cùng các cộng sự của mình đã công bố những nghiên cứu về truyền thống yêu nước, cách mạng của làng Thụy Khuê. Ngay từ trước công nguyên, làng Thụy Khuê đã cùng nghĩa quân Lữ Gia chống giặc Hán. Năm 542, 543, làng Thụy Khuê lại cùng tướng Phạm Tu, đứng đầu tướng võ của Lý Bí chống giặc Lương. Thế kỷ X, làng Thụy Khuê có công đóng góp, phục vụ cho quân doanh Đỗ Cảnh Thạc từ khi cùng Ngô Quyền phá giặc.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân, đế quốc, nhiều người con Thụy Khuê đã tham gia cách mạng và hy sinh anh dũng. Trước năm 1930, có nhiều người Thụy Khuê hoạt động cách mạng ở Trường thi Nghệ An, Hải Phòng… Xã Sài Sơn vinh dự là nơi ra đời của Chi bộ Đảng đầu tiên của tỉnh Sơn Tây những năm chống Pháp. Theo thống kê được TS Lưu Minh Trị cùng các cộng sự của mình đưa ra, Làng Thụy Khuê hiện có 58 liệt sĩ, 42 thương bệnh binh, 5 Bà mẹ Việt Nam anh hùng cùng hàng trăm người tham gia hoạt động cách mạng được chi trả chế độ, có 670 huân và huy chương các loại được trao, truy tặng.
Hữu Trưởng