Làng Tây Tựu hay còn gọi là làng Đăm là vùng đất cổ có cư dân sinh sống lâu đời. Nơi đây có truyền thống lịch sử, văn hóa, nhân vật và có nhiều di tích lịch sử-văn hóa và đặc biệt là lễ hội. Trong cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 2, TS Lưu Minh Trị cùng các tác giả đã giới thiệu về nét đặc sắc của lễ hội làng Đăm. Từ thời xa xưa người ta đã có câu về lễ hội làng Đăm: “Bơi Đăm, rước Giá, hội thầy” hay “Làng La canh cửi, làng Đăm đua thuyền”.
Lễ hội làng Đăm để tưởng nhớ người anh hùng có công với dân với nước: tướng Đào Trường. Hội bơi Đăm diễn ra lại chiến thuật luyện tập và tiến công bằng thủy quân của tướng Đào trường thời Hùng Duệ vương. Sau khi tế lễ trong đại đình, một số trai kiệu cùng các cụ rước ngai Thánh từ trong đình ra Chính ngự trong. Kiệu đi thẳng từ Chính ngự trong qua Chính ngự ngoài tới đường làng trước mặt ao đình. Khi tới trước Thủy tạ, kiệu được hạ xuống, các trai kiệu cùng các cụ rước kiệu vào đặt tại bệ giữa nhà Thủy tạ, cờ quạt, chấp kích được đặt trước mặt kiệu Thánh, hướng ra mặt sông. Một hồi chiêng trống nổi lên báo hiệu Ngài đã an vị. Hiệu lệnh chuẩn bị đua thuyền là khi tiếng chiêng, trống lúc kiệu Thánh đã yên vị ở nhà Thủy tạ. Các thuyền đua từ các ngả từ từ tiến vào gần nhà Thủy tạ trong tiếng reo hò vang dậy của người ba thôn cổ vũ cho đoàn thuyền đua của mình.
Hữu Trưởng