“Bức tranh” về kinh tế đối ngoại Hà Nội thời Pháp thuộc và tạm chiếm
Để đưa Hà Nội trở thành một trung tâm kinh tế, chính trị lớn nhất ở Bắc Kỳ, thủ đô của Đông Dương, một kế hoạch mở mang Hà Nội được chính quyền thực dân Pháp đặt ra. Đầu tư của Pháp và nước ngoài vào Hà Nội chú trọng vào kết cấu hạ tầng. Công nghiệp tư bản Pháp ở Hà Nội gồm: Công nghiệp phục vụ lợi ích công cộng, công nghiệp nhẹ, công nghiệp vật liệu xây dựng, in ấn, công nghiệp hóa chất, công nghiệp sửa chữa cơ khí… Theo cuốn sách “Kinh tế đối ngoại Thăng Long-Hà Nội” do GS. TS Tô Xuân Dân và TS Nguyễn Quang Lân làm chủ biên, kinh tế đối ngoại Hà Nội thời Pháp đô hộ phân thành 3 bộ phận: Người Âu, người Việt và Người Á (chủ yếu là người Hoa). Người Việt làm nhiệm vụ chủ yếu cung cấp hàng hóa, thương nhân người Hoa và Pháp thu mua xuất khẩu. Hoặc thương nhân Hoa, Pháp nhận hàng nước ngoài rồi cung cấp cho thương nhân Việt bán lẻ.
Hà Nội trong hơn 7 năm Pháp tạm chiếm là thị trường tiêu thụ hàng ngoại nhập, nơi trung chuyển hàng hóa. Tư bản Pháp, Hoa, Ấn chi phối toàn bộ mạng lưới kinh doanh của thành phố. Họ liên kết chặt chẽ, nắm độc quyền giá khi phân phối lại cho các thương nhân Việt. Hàng hóa xuất khẩu Việt Nam chủ yếu là cao su, gạo, ngô, cá, tôm khô và da sống cho thị trường Pháp, thuộc địa của Pháp và thị trường Mỹ, Anh, Trung Quốc, Nhật Bản… Nhìn chung, chính sách độc quyền ngoại thương của chính quyền thực dân làm cho quan hệ thương mại các nước với Việt Nam thời kỳ này rất hạn chế.
Hữu Trưởng