Nguyệt Áng – làng nhỏ nhưng chí lớn
Làng Nguyệt Áng, xã Đại Áng, huyện Thanh Trì, Hà Nội, là nơi có truyền thống hiếu học, sản sinh ra nhiều nhân tài có công lớn với đất nước. Cùng với làng Tả Thanh Oai, làng Nguyệt Áng là ngôi làng khoa bảng thứ 2 ở huyện Thanh Trì. Triều đình phong kiến Việt Nam trước đây quy định, làng nào có 10 người trở lên đỗ Tiến sĩ thì đạt danh hiệu làng khoa bảng. Làng Nguyệt Áng được công nhận là làng khoa bảng vì có 11 Tiến sĩ, trong đó có 1 Trạng nguyên. Ngoài ra, làng Nguyệt Áng còn có 30 Hương cống, Cử nhân.
Theo cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, Nguyệt Áng không phải là làng của người đỗ đạt sớm nhưng có nhiều người thi đỗ Tiến sĩ, tập trung trong khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Đặc biệt có 1 Trạng nguyên là Nguyễn Quốc Trinh. Do làng Nguyệt Áng có tên Nôm là làng Nguyệt nên dân gian gọi Nguyễn Quốc Trinh là Trạng Nguyệt (ông trạng làng Nguyệt). Dân làng Nguyệt Áng hôm nay tiếp tục phát huy truyền thống hiếu học ông cha. Dù chỉ là ngôi làng nhỏ bé, khoảng 300 hộ dân, dân số chưa đầy 1.000 người, nhưng làng đã có 1 Phó Giáo sư, 5 tiến sĩ, 20 thạc sĩ, khoảng 100 cử nhân, kỹ sư. Các thế hệ của làng Nguyệt Áng luôn có ý thức vươn lên, chinh phục đỉnh cao tri thức và làm rạng danh làng khoa bảng nổi tiếng kinh thành Thăng Long năm xưa.
Hữu Trưởng