Đạo lý Phật giáo trong “Trẩy chùa Hương”
Nói đến Phạm Quỳnh là nhắc đến tác giả của nhiều tác phẩm ký nổi tiếng, như: Mười ngày ở Huế, Luận giải văn học và triết học, Pháp du hành trình nhật ký… Cuốn sách “Tuyển tập ký-tản văn xứ Đoài” do Bằng Việt làm chủ biên đã giới thiệu cho bạn đọc du ký “Trẩy chùa Hương” trích trong “Thượng Chi văn tập”. Nhìn chung, có thể coi du ký “Trẩy chùa Hương” là một bảo tàng du lịch bằng ngôn từ nghệ thuật, hòa quyện phẩm chất, tư thế học giả, nhà khảo cứu, bản lĩnh trí thức, nhà văn và nhà nghệ sĩ. Đọc “Trẩy chùa Hương”, bạn đọc có thể ngồi một chỗ mà thấy ngoài muôn dặm, hiểu rõ hơn về một thời Hương Tích - xứ Đoài - Hà Nội...
Ở đoạn mở đầu, Phạm Quỳnh đã nêu những suy tưởng về Phật giáo, nhấn mạnh phương diện nhân văn, ý nghĩa thanh lọc và khả năng cứu rỗi tinh thần của tôn giáo nói chung: “Bể khổ mênh mông, bè từ trôi nổi; bến mê man mác, bờ giác tịt mù. Ở đời là khổ, làm người là lầm, dẫu đạo nào từ xưa đến nay cũng dạy như thế, chỉ khác nhau ở cái phương pháp đặt ra để giải lầm, để thoát khổ mà thôi. Nếu người ta từ lúc lọt lòng đến khi vùi dập được sung sướng trọn vẹn cả, không phải sự gì phiền muộn đau đớn, không gặp cảnh gì trái người thảm thương, thời chắc ở đời không có thần Phật, không có đền chùa, không có đạo giáo gì nữa…” Trong bản chất, Phạm Quỳnh coi trọng Phật giáo nhưng cũng tỏ rõ thái độ với lối buôn thần bán thánh, lễ bái theo kiểu mê tín dị đoan.
Hữu Trưởng