Đàn Xã Tắc được hình thành sau các trung tâm Đạo giáo, Phật giáo của nhà Lý
Đây là kết luận được PGS.TS Tống Trung Tín và các cộng sự đưa ra trong cuốn sách “Di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc Thăng Long”. Trong thời Lý, hệ thống nghi lễ ở Thăng Long cũng dần hình thành từng bước. Xem xét nguồn thư tịch cổ và văn bia, có thể thấy tại Thăng Long, các vương triều Lý Trần Lê đã huy động một hệ thống nghi lễ khá phong phú và thay đổi theo thời gian khá phức tạp. Trong không gian tôn giáo lớn nhất thời Lý thì Đạo giáo, Phật giáo được nhà Lý chú trọng trước hết. Tình trạng này được sử thần Lê Văn Hưu nhắc đến trong buổi đầu triều Lý: “Lý Thái Tổ lên ngôi mới được 2 năm, tông miếu chưa dựng, đàn Xã Tắc chưa lập mà trước đó đã dựng 8 chùa ở phủ Thiên Đức, lại trùng tu chùa quán ở các lộ” (Đại Việt sử ký toàn thư). Đến năm 1048 thời Lý Thánh Tông, đàn Xã Tắc mới chính thức được thành lập. Đến năm 1070 xây dựng Văn Miếu. Vu đàn được nhắc đến vào năm 1137, trong khi đàn Nam Giao được xây dựng năm 1152.
Thu Hương