Lần đầu tiên tìm thấy làng Việt cổ ở khu vực trung tâm nội thành Hà Nội
Sử cũ, dù ghi chép được rất ít cũng đã cho biết phần nào quá trình lịch sử nói trên của đất nước. Tuy nhiên, dưới góc độ văn hóa vật chất, các chứng cứ tìm thấy chưa được nhiều. Phần lớn, các dấu tích tìm thấy đều là các mộ gạch thời Hán-Đường. Trong bối cảnh đó, lớp văn hóa thời 10 thế kỷ sau Công nguyên ở địa điểm đàn Xã Tắc là cực kỳ quý hiếm. Đó là di chỉ cư trú duy nhất thời này hiện thấy ở khu vực nội thành Hà Nội nói riêng, khu vực Hà Nội cũ nói chung. Mặc dù, di tích bị người thời Lý san bạt để xây kiến trúc đàn tế nhưng tầng văn hóa này vẫn dày từ 0,3-1m phán ánh quá trình định cư lâu dài của cư dân khu vực. Trong di chỉ có các di tích mộ táng với 3 ngôi mộ đất còn khá nguyên vẹn. Điều đó cho thấy, làng Việt cổ không những định cư lâu dài mà còn có quy mô khá lớn, từ khoảng đầu Công nguyên trở đi, người Việt đã định cư ở khắp khu vực rộng lớn địa điểm đàn Xã Tắc. Những điều này đã được PGS.TS Tống Trung Tín và các cộng sự ghi lại trong cuốn sách “Di tích khảo cổ học đàn Xã Tắc Thăng Long”.
Thu Hương