Lê Chiêu Tông-vị vua ngu tối bất minh
Các vị vua cuối triều đại Lê sơ được sử sách ví là những “vua quỷ”, “vua lợn”, ham mê tửu sắc khiến dân chúng lầm than. Sau triều đại của Lê Uy Mục, Lê Tương Dực, Lê Chiêu Tông kế vị trong giai đoạn nội tình đất nước tranh giành quyền thế, sát hại nhiều trung lương. Lê Chiêu Tông được biết đến là cháu bốn đời của vua Lê Thánh Tông. Trong cuốn sách “Vương triều Lê sơ (1427-1527)” do GS. TS Nguyễn Quang Ngọc làm chủ biên, vua Lê Chiêu Tông được miêu tả là người không có quyền bính trong tay, bên trong thì nghe lời xiểm nịnh gian trá, bên ngoài lại ham mê săn bắn chim muông, ngu tối bất minh, ương ngạnh tự phụ, nên thảm họa nguy vong là kết cục đang đợi phía trước.
Điểm sáng duy nhất trong triều đại Lê Chiêu Tông là suốt 6 năm trị vì vẫn tổ chức được hai lần thi Hội và hai lần thi Đình, bên cạnh đó còn sai các bộ liên quan dựng bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám. Những đóng góp của vị vua này đối với nền khoa cử đáng ghi nhận. Ông đích thân ra đề thi cho các sĩ tử, nội dung xoay quanh việc tuyển dụng người tài cho đất nước. Điều khác biệt lớn dưới triều đại vua Lê Chiêu Tông là quyền lực đất nước không còn được tông thất họ Lê nắm quyền nữa mà được chuyển sang tay Mạc Đăng Dung. Sự chuyển giao quyền lực thời điểm đó đã chứng kiến hàng loạt cuộc biến loạn diễn ra. Không chỉ đối mặt với nạn binh đao, tranh giành quyền lực diễn ra ở hầu khắp các vùng miền trên đất nước mà đi cùng đó là việc đất nước chịu thiên tai đói kém, mất mùa cũng làm gia tăng bất ổn trong xã hội Đại Việt.
Hữu Trưởng