Cư dân vùng Hà Nội giai đoạn văn hóa Đông Sơn
Trong chuyên khảo “Dân cư Thăng Long- Hà Nội” của GS.TS Đỗ Thị Minh Đức- GS.TS Nguyễn Viết Thịnh có trích dẫn công trình nghiên cứu do GS Phan Huy Lê chủ biên có đề cập: Các di chỉ khảo cổ cho thấy vào thời kỳ Hùng Vương cả vùng đất từ chân núi Ba Vì qua Phong Châu “đất Tổ” đến chân núi Tam Đảo chính là nơi dân cư tập trung khá đông đúc, hoạt động kinh tế (nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp) đã khá phát triển. Cư dân tập trung đông hơn ở khu vực tả ngạn sông Hồng. Ở khu vực này cũng tìm được nhiều di tích văn hóa Đông Sơn hơn là phía hữu ngạn. Cư dân lập làng trên các sống đất cao ven sông, các bãi bồi cao. Quá trình người Việt cổ chinh phục đồng bằng, đầm lầy, trũng thấp, đầy lau lách đã làm cho họ thích nghi với hoàn cảnh mới (chẳng hạn như táng mộ thuyền, đắp thành Cổ Loa). Sự cải tiến về nông cụ thể hiện ở các lưỡi cày đồng Cổ Loa chế tác các thời kỳ khác nhau có hình dáng khác nhau và sự phát triển nghề trồng lúa nước đã cho phép dân số ở vùng đồng bằng sông Hồng tăng vọt vào khoảng thế kỷ trước, sau công nguyên. Trong xã hội đã có sự phân hóa giai tầng , giàu nghèo rõ hơn (phản ánh vào đồ tùy táng khai quật được)…
Cho đến thời gian trước khi nhà Tây Hán xâm lược nước ta (cuối thế kỷ II TCN) ở vùng đất Hà Nội ngày nay đã có nhiều khu dân cư tập trung mà có ý nghĩa quan trọng nhất là Cổ Loa. Cổ Loa là kinh đô của nước Âu Lạc.
Ha Thu