Lý do khiến Thăng Long được gọi là Kẻ Chợ
Trong chuyên khảo “Dân cư Thăng Long- Hà Nội” của GS.TS Đỗ Thị Minh Đức- GS.TS Nguyễn Viết Thịnh viết về thời kỳ này nói rõ: Kinh thành có hơn 10 chợ lớn nổi tiếng như chợ Cửa Đông, Cửa Nam, chợ ống Nước (gần Ngọc Hà), chợ Dịch Vọng (ô Cầu Giấy), chợ Yên Thái (Bưởi), chợ Bắc Cử, chợ Gạo, chợ Hàng Cá, Chợ Bạch Mã… và hàng loạt các chợ nhỏ hơn do vậy Thăng Long mang tên là Kẻ Chợ.
Đây là thời kỳ có nhiều hơn các thợ thủ công đủ cá ngành nghề từ vùng đồng bằng sông Hồng đến sinh cư lập nghiệp ở cá phố phương chuyên doanh ở Thăng Long. Đây cũng là thời kỳ giảm đi sự cách bức giữa nội thành và ngoại thành từ khi chúa Trịnh Tùng cho phá hoàn toàn thành Đại La của nhà Mạc (1588) cho đến năm 1749 chúa Trịnh Doanh mới cho đắp lại. Trong bối cảnh đó, kinh thành Thăng Long đã phát triển mạnh hơn về phía đông và phía nam của Hoàng thành.
Thời Tây Sơn và sau này là thời Nguyễn, Thăng Long không còn là kinh thành. Tuy nhiên Thăng Long vẫn giữ được sự liên tục trong dòng chảy phát triển cả về kinh tế, văn hóa, xã hội là trung tâm kinh tế lớn nhất ở Bắc Thành. Bình luận về đô thị hóa ở Đồng bằng sông Hồng, GS. Đàm Trung Phường- nhà đô thị học nổi tiếng đã viết: Cho đến thế kỷ 18-19, Thăng Long vẫn mang tính chất là một chợ phiên lớn nhất mà thôi. Các thị dân vẫn gắn bó với làng quê của mình, vẫn xây đình, xây cổng làng trong đô thị, chưa có hẳn một đời sống thành thị thực thụ tách biệt hẳn với đời sống nông thôn.
Hà Thu