Bức tranh về không gian đô thị-nông thôn ở Hà Nội trong tương lai
Thực hiện mục tiêu phát triển cân bằng giữa đô thị và nông thôn, hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống, tác động của biến đổi khí hậu, giảm tải cho đô thị trung tâm, Hà Nội phát triển đô thị hóa theo mô hình chùm đô thị. Đô thị trung tâm bao gồm các khu vực có định hướng quy hoạch và phát triển không gian khác biệt, gồm: Khu nội đô lịch sử (gồm các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Tây Hồ) giới hạn ngoài là đường vành đai 2; khu nội đô mở rộng (từ vành đai 2 đến sông Nhuệ); quy hoạch hai khu mở rộng ở phía bắc sông Hồng (đến sông Cà Lồ) và phía nam sông Hồng (từ sông Nhuệ đến đường vành đai 4).
Xung quanh các đô thị trung tâm hình thành và phát triển nhanh các đô thị vệ tinh có chức năng hỗn hợp và đặc thù riêng, hoạt động tương đối độc lập để hỗ trợ và chia sẻ với đô thị trung tâm các chức năng về đào tạo, công nghiệp, dịch vụ, nhà ở… gồm: Đô thị Hòa Lạc có chức năng chính về khoa học-công nghệ và đào tạo; đô thị Sơn Tây là đô thị văn hóa lịch sử, du lịch nghỉ dưỡng; đô thị Xuân Mai là đô thị dịch vụ-công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp và hệ thống làng nghề; đô thị Sóc Sơn là đô thị phát triển về dịch vụ, khai thác tiềm năng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, hàng lang kinh tế Côn Minh-Hà Nội-Quảng Ninh và vùng cảnh quan sóc sơn. Những thông tin trên được GS.TS Nguyễn Viết Thịnh và đội ngũ biên soạn cung cấp cho bạn đọc trong cuốn sách “Địa lý Hà Nội” do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành.
Hà Thu