Theo cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, khác với các hội làng khác của Hà Nội, hội làng Láng thường không được tổ chức ở chùa Láng, là một hội lớn nên không tổ chức thường xuyên mà phải cách 7-10 năm mới tổ chức đại hội một lần. Hội Láng đã sớm trở thành tâm điểm của cộng đồng dân cư của cả vùng. Bởi vậy người xưa có câu: Thứ nhất là hội Cổ Loa/Thứ nhì hội Láng, thứ ba hội Chèm. Tham gia hội không chỉ có làng Láng mà còn có sự góp mặt của nhân dân các làng quanh như: Dịch Vọng, Yên Hòa, Kính Chỉ, Mọc Quan Nhân và nhiều làng xã khác nằm dọc sông Tô Lịch.
Vì làng Láng trước đây được vua ban cho là dân Tọa lệ nên hội Láng được tổ chức có quy mô lớn và kéo dài 10 ngày. Hội Láng bắt đầu bằng đám rước Thánh ngày mồng 5 tháng Ba lên chùa Nền với ý nghĩa để Đức Thánh về thăm lại nơi chôn rau, cắt rốn. Ngày vui nhất hội Láng là ngày mồng 7 tháng Ba. Trong đó có nghi lễ do 10 cô gái trẻ cử hàng. Các cô mặc áo mơ ba mớ bảy, váy lĩnh, khăn vấn nhiễu, tóc đuôi gà... Họ múa quanh phương đình chầu Thánh, phụ họa theo là dàn nhạc bát âm với đầy đủ đàn, nhị, sáo, kèn... Ngày nay cho thấy các trò diễn và đám rước trong hội chùa Láng đã dần mất đi, không còn được như xưa nhưng đến ngày mồng 7 tháng Ba hàng năm hội Láng vẫn diễn ra đông vui, náo nhiệt.
Hữu Trưởng