Đông Khê-một làng Việt cổ tiêu biểu của xứ Đoài
Trong cuốn sách “Làng cổ Hà Nội” tập 1 do TS Lưu Minh Trị làm chủ biên, làng Đông Khê được miêu tả là làng quê có từ rất lâu đời, một làng Việt cổ tiêu biểu của xứ Đoài và đồng bằng Bắc Bộ nằm giữa vùng “Chim Phượng đỏ”. Đông Khê là chủ nhân của xứ Đề Tân nơi Thần Tích Lịch Hỏa Quang giáng trần dẹp tà trừ dịch cho cả vùng từ thời Hùng Vương thứ 18, là làng được Vua Hùng giao cho trọng trách lập đền chính hương khói thờ Thần, nên theo khoán ước của tổng Phùng, Đông Khê được suy tôn làm anh cả.
Các di tích chính của làng vẫn được bảo tồn, đình, chùa giếng nước và giếng nước cổ vẫn còn ở đó. Cây cổ thụ được chăm sóc, các nhà cổ vẫn được một số gia đình và dòng họ lưu giữ. Lễ hội làng và tục thờ cúng, tế lễ vẫn được coi trọng. Trong các dấu tích cổ ở làng Đông Khê có thể kể đến Quán Cả xứ Đề Tân, chùa Miêu, đền Thanh Khê, Giếng làng, cổng cũ, nhà xưa, cây cổ thụ. Theo các tài liệu nghiên cứu, làng Đông Khê được hình thành khoảng 3.000 đến 3.200 năm cách ngày nay. Làng Đông Khê hiện đại nhưng cảnh quan làng và văn hóa làng xưa vẫn còn đậm nét.
Hữu Trưởng