Tạp kỹ Thăng Long trong con mắt người phương Tây
Miêu tả cụ thể số tiết mục tạp kỹ của một phường trò diễn trên đất Thăng Long cuối thế kỷ XVII, Samuel Baron đã viết trong cuốn Miêu tả xứ Đông Kinh (Descripton du royaume du Tonquin): các trò người dộng đầu trồng cây chuối, hai tay cầm 2 long đao; trò quay đĩa trên đầu gậy; trò đế trụ trên trán có em bé leo lên; trò dùng răng cắn một vật rồi nâng lên; trò đế gậy; trò đi kheo; trò người nằm để sào đặt trên 2 bàn chân chụm thẳng thước thợ, 2 đầu sào để 2 em bé ngồi thõng chân thăng bằng; trò nữ cầm quạt đi trên dây thẳng; đồng thời với các trò Nữ múa hát theo nhiều điệu, thường bị Hè chen vào pha trò; trò nữ đội mâm, trên mâm đặt những đĩa đèn đốt cháy, làm động tác nhào lộn bay bướm.
Từ những dòng S.Baron miêu tả, mới thấy trò leo dây ngang mà chưa gặp trò leo dây dốc lại tránh nhau trên chạc ba như nhóm tạp kỹ họ Thượng biểu diễn thời Đinh (đã dẫn); cũng thấy trò em bé leo lên gậy đế làm vài động tác vặt dường như liên quan (hoặc cũng là) trò múa rối trên đầu gậy và trò leo sào đá múa mà Phó sứ Trần Cương Trung từng ghi lại trong bài An Nam tức sự chăng? Nếu vậy, những cụm từ múa rối - leo dây hoặc leo dây - múa rối bắt gặp trong sử sách cổ, có nên hiểu là sự chưa phân biệt như hôm nay, về mối "kết hợp" nghệ thuật sân khấu Rối (sử dụng con nộm, hình nộm làm phương tiện thể hiện chủ yếu) với loại trò khéo (tạp kỹ), hay đấy chỉ đơn thuần là những kết quả sáng tạo của lớp lớp người làm trò một thời lịch sử?
Theo phân tích của tác giả Trần Việt Ngữ thì phường trò mà S.Baron miêu tả mới là một trong vô số phường hành nghề phiêu bạt khắp nơi thời Trần Lê mà sách Lĩnh Nam chích quái từng nói đến. Và các tiết mục của loại phường này do những người đã mang nhiều ít tính chuyên nghiệp trình bày, nên có kỹ thuật thể hiện tinh thục hơn, kết cấu tạo hình gọn đẹp hơn, so với số trò cùng loại vẫn thường diễn ở hội làng, hội phường cùng thời. Điều đó không hề làm giảm, trái lại, còn kích động những trai tráng ưu tú trong phường, ngoài làng, bảo nhau học hỏi trau dồi kỹ xảo để trò diễn ngày thêm hấp dẫn, tới mức mang số nét riêng làm nổi đình đám hội làng nhà, bắt đầu từ những trò bình thường.
Từ góc nhìn của người phương Tây về tạp kỹ Thăng Long cho thấy sức hấp dẫn của bộ môn nghệ thuật dân gian này.
Cẩm Tú