Phố đi bộ Tràng Tiền có từ thời Pháp thuộc
Phố đi bộ Hà Nội, cụ thể hơn là phố đi bộ Hồ Gươm là khu vực không gian đi bộ bao gồm 16 tuyến phố xung quanh Hồ Gươm, cấm các phương tiện xe cộ lưu thông, bắt đầu triển khai năm 2016. Theo thống kê, sau 2 năm triển khai phố đi bộ Hà Nội đã thúc đẩy phát triển thương mại, du lịch, kinh tế của quận Hoàn Kiếm nói riêng và thành phố nói chung. Lượng khách trong và ngoài nước đến tham quan và tham gia rất đông, trung bình ban ngày khoảng 3.000 đến 5.000 người; buổi tối khoảng 1,5 vạn đến 2 vạn người, những buổi có sự kiện lớn có trên 3 vạn người tham dự...
Trước đó, Hà Nội đã thử nghiệm tổ chức phố đi bộ trên tuyến phố Hàng Đào – Đồng Xuân năm 2004; địa bàn khu bảo tồn cấp I năm 2014 (gồm Hàng Buồm, Hàng Giầy, Lương Ngọc Quyến, Mã Mây, Đào Duy Từ, Tạ Hiện). Theo Cuốn sách “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” do PGS. TS Nguyễn Thừa Hỷ làm chủ biên, khái niệm phố đi bộ Hà Nội đã có từ thời Pháp thuộc. Cụ thể, Nghị định 24-4-1922 đã quy định cấm tất cả mọi giờ ngày đêm các xe do bò hoặc người kéo và nói chung các xe cộ không chở người đi lại trong phố Paul Bert (Tràng Tiền). Những xe tải hàng, xe cam nhông, xe bò được gọi đến phố Tràng Tiền để bốc dỡ hàng hóa chỉ được mượn phần đường này khi thật sự cần thiết và chỉ được lưu lại trong khoảng thời gian quy định. Cấm những xe công cộng và những xe tay đi lại trong phố Tràng Tiền để tìm kiếm khách. Những trạm đỗ xe được thiết lập xung quanh như Ngô Quyền, Nguyễn Khắc Cần, Đinh Tiên Hoàng, Đinh Lễ và Bà Triệu.
Hữu Trưởng