Nhiều người tranh cãi cho rằng cuối thế kỷ 19 mới có phụ nữ Việt Nam lấy chồng Tây. Thực ra từ đời Gia Long (1802-1819) đã có một phụ nữ Việt Nam lấy chồng Tây. Trong cuốn sách “Hà Nội ngày ấy”, tác giả Nguyễn Bá Đạm đã kể một câu chuyện đã chứng tỏ tổ me Tây đích thực là ai? Me Tây là tiếng lóng của Việt Nam chỉ những người phụ nữ Việt Nam có giao du thân mật với đàn ông Pháp hoặc lấy chồng Pháp. Theo đó, người đầu tiên lấy chồng Tây là bà Nguyễn Thị Liên, quê ở Đàng Ngoài Kẻ Chợ (Hà Nội), sinh trưởng ở phường thợ đúc kinh thành Huế. Thuở trẻ bà là người xinh đẹp, vợ ông Vannier-người lấy tên họ Việt Nam là Nguyễn Văn Chấn, sĩ quan thủy thủ thời vua Gia Long. Đến thời vua Minh Mạng, ông Chấn không còn được tin dùng nên đã đưa cả vợ con về Pháp.
Năm 1863, nhà vua cử phái đoàn sang Pháp chuộc lại 3 tỉnh Gia Định, Biên Hòa và Định Tường do đại thần Phan Thanh Giản đứng đầu. Khi sang pháp, phái đoàn này đã tình cờ gặp bà Nguyễn Thị Liên và được nghe câu chuyện của bà. Sang Pháp 37 năm, bà Liên chưa có dịp về Việt Nam và chồng của bà đã chết. Đến ngày tiễn phái đoàn của ông Phan Than Giản về nước, bà Liên cùng con trai và con gái đều chít khăn lượt và mặc áo sa đúng vẻ người Việt Nam cùng nhau ra tiễn, nước mắt giàn giụa. Cụ Phan Than Giản thấy bà có lòng ân cần tha thiết nghĩ đến quê hương nên thay mặt triều đình tặng bà 50 lạng bạc và mấy chục ngân tiền cùng 10 tấm lụa.
Hữu Trưởng