Xác định diện mạo đàn Xã Tắc
Đó là các di tích kiến trúc thời Lê chồng lên di tích kiến trúc thời Lý và thời Trần. Các di vật trong tầng văn hóa đều bị xáo trộn, nhưng các dấu tích kiến trúc đều còn nguyên vị trí ban đầu. Di tích kiến trúc mỗi thời kỳ đều có tổ hợp di vật nhiều loại tương ứng chứng tỏ quá trình tồn tại lâu dài của di tích. Trước hết, có thể thấy các dấu tích kiến trúc còn lại ít ỏi của mỗi thời kỳ được xác định thuộc thời kỳ Lý Trần Lê và không có mối liên hệ gì với nhau về mặt kiến trúc. Giữa các thời kỳ, các dấu tích kiến trúc đều được tách bạch rất rõ bởi các lớp đất ngăn cách, di tích thời Trần cách di tích thời Lý 25 cm, di tích thời Lê cách di tích thời trần 20cm. Đối với thời Lý, dấu tích đáng chú ý nhất là các đường móng nền được rải và đầm nện chủ yếu bằng mảnh sành. Theo kết quả nghiên cứu khảo cổ học hiện nay, trong thời Lý, các móng đường (hay tường), móng trụ và móng của các bó nền nhà thường được thợ xây dựng cho rải và đầm nện bằng các loại vật liệu rắn khác nhau nhằm mục tiêu chống lún cho các thành phần kiến trúc ở bên trên.
Thu Hương