Nhà văn Đỗ Bích Thúy, người bắt nhịp xu hướng văn chương đương đại Việt Nam
Theo nhà phê bình Bùi Việt thắng trong cuốn ‘Hà Nội từ góc nhìn văn chương’, tiểu thuyết ngắn và siêu ngắn là một xu hướng, hay khuynh hướng trong văn chương đương đại Việt Nam. Vì sao ngắn, làm thế nào để ngắn? Cần phải ngắn, trước hết vì cơ chế đọc hiện nay, độc giả rất ít thời gian nhàn rỗi để thưởng thức nghệ thuật nói chung, văn chương nói riêng, trong khi văn hóa nghe nhìn đang bành trướng, lấn sân văn hóa đọc.
Làm thế nào để ngăn được mà không hao khuyết? Trở lại Cửa hiệu giặt là của Đỗ Bích Thúy để thấy nhà văn đã cố gắng viết ngắn như thế nào? Trong độ dài ngót 200 trang in, tiểu thuyết được đánh dấu từ số 1 đến số 23. Khó để gọi đó là 23 chương tiểu thuyết. Nếu có thể, thì gọi đó là những “trích đoạn” dòng đời vốn luôn chu chuyển. Tác giả chú ý đến những cận cảnh, mảnh vỡ đời người khi viết. Những “trích đoạn” như thế lúc cần có thể tháo gỡ, lắp ghép theo rất nhiều mô hình khác nhau. Sự ngắn của tác phẩm thường gắn với một yếu tố quan trọng mà lý thuyết văn chương gọi là nhịp điệu. Có thể là có ý thức, hoặc vô thức, khi viết Cửa hiệu giặt là, Đỗ Bích Thúy đã kiến tạo được một nhịp điệu văn xuôi của riêng mình, khá ấn tượng. Cách đọc tiểu thuyết Cửa hiệu giặt là gần với cách đọc truyện ngắn – nghĩa là đọc một hơi, tiếp thu liền một mạch vì cái nhịp độ khẩn trương, có khi chói ngắt, của đời sống. Viết ngắn có hiệu quả ở chỗ kết thúc tác phẩm, nhà văn vẫn để bỏ lửng vấn đề để độc giả suy nghĩ.
Thu Hương