Nguyễn Quang Thiều là nhà văn có ý thức chắt chiu cái đẹp của đời sống
Cái đẹp trong tác phẩm của anh luôn mang bộ mặt buồn nhưng đó là nỗi buồn đẹp có tác dụng thanh lọc tâm hồn con người. Xin hãy đọc kỹ Hai người đàn bà xóm trại, Cái chết của bầy mối, Tiếng đập cánh của chim thần, Mùa hoa cải bên sông. Trong Gió dại, tác giả miêu tả những cô gái ở chiến trường những năm chiến tranh lúc nào cũng bị ám ảnh bởi “tiếng trẻ sơ sinh xuyên qua tiếng bom đạn rầu rĩ, mơ hồ vọng về làm họ nghẹt thở”. Nỗi cô đơn của những người phụ nữ ấy trở nên thánh thiện và qua ngòi bút ưu ái của nhà văn trở thành nỗi cô đơn trong sáng tác tuyệt vời đáng để chúng ta kính cẩn. Trong chuyện ngắn của mình, Nguyễn Quang Thiều không quá chú mục vào miêu tả cái cập nhật mà là đời sống tâm linh của con người. Đi vào thế giới này quả thực là nhà văn làm một cuộc thám hiểm nhiều gian nguy, không khéo sẽ chênh vênh nếu nhà văn giản đơn trong cách hiểu con người. Bởi vì mỗi con người là một “tiểu vũ trụ” đầy bí ẩn, khó nắm bắt. Nỗi khao khát của cô Mật trong Hai người đàn bà xóm trại hóa thành những giấc mơ vốn như sự hiện hữu của cái vô hình: “Trong mơ chị vẫn thấy người lính trở về và tỉnh giấc chị vẫn rụt rè đặt tay lên bụng mình và thấy khang khác”.
Thu Hương