Ảnh hưởng của văn chương Pháp với văn chương Việt Nam
Văn chương Việt Nam thế kỷ XX sau khi gây được một cái nền hoàn toàn Á Đông đã chịu một cách sâu xa cái ảnh hưởng của văn chương phương Tây, đúng hơn là văn chương Pháp. Nhìn lại văn học đầu thế kỷ XX có thể thấy một viễn cảnh buồn rầu. Nho học già cỗi, văn chương cũng theo nho học mà tàn. Tuy vậy, về phương diện tinh thần và thể cách, văn chương Việt Nam còn in dấu vết rất rõ rệt của nho học. Các văn gia thi sĩ người nọ bắt chước người kia. Trải bao năm người ta vẫn theo nhau vịnh sông, núi, thằng bồ nhìn, chị hằng nga, chén rượu, thu đông…
Dưới ảnh hưởng của văn Pháp, ta đã thêm được lối văn tả chân. Nhiều đoạn văn, nhiều quyển tiểu thuyết của ta ngày nay nếu được dịch ra Pháp văn chắc cũng không kém gì văn Tây mấy, mà lại có nhiều chỗ tương tự với văn chương Pháp. Bắt chước các nhà văn châu Âu, văn chương Việt Nam đã đi sâu vào trong xã hội để quan sát. Các thi sĩ đi làm quen với mọi lớp người của xã hội, nghĩ với họ, ước vọng với họ, sống cái đời hoàn toàn của họ. Đó là một nền văn chương nẩy nở dưới sự dung hòa của hai ảnh hưởng văn chương Trung Hoa và ảnh hưởng của văn chương Pháp. Những bình luận trên của nhà thơ Lê Thanh đăng trên Tạp chí Tri tân 1941, được PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn và đội ngũ biên soạn cung cấp cho bạn đọc trong cuốn sách “Biên niên lịch sử phong trào thơ mới Hà Nội 1932-1945” tập 2, do Nhà xuất bản Hà Nội phát hành.
Hữu Trưởng