Bàng Bá Lân và cảm hứng thơ từ miền quê Bắc Bộ
Trong làng thơ ca Việt Nam, làng quê Bắc Bộ đã là niềm cảm hứng cho rất nhiều thi sĩ, nhưng mỗi một nhà thơ có một xúc cảm riêng. Nếu như Nguyễn Bính chỉ sống trong tình quê mà ít để ý đến cảnh quê, Anh Thơ không nhà quê một tí nào mà là một người thành thị du ngoạn cảnh quê thì Bàng Bá Lân là người hiểu cảnh quê. Trong cuốn sách “Biên niên lịch sử phong trào thơ mới Hà Nội 1932-1945” do PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn làm chủ biên, nhà phê bình Hoài Thanh đã bình, Bàng Bá Lân không có cái tỉ mỉ của Anh Thơ. Tuy vậy, ông đôi khi lại mến cảnh quê quên nhìn, nhưng đã lưu ý đến cảnh nào thì lưu luyến cảnh ấy.
Bàng Bá Lân sau khi đã hấp thụ ở thành thị một nền học khá, liền về ở nhà quê luôn. Ông sống cuộc đời thong dong một ông chủ trại, thì giờ để làm ruộng ít hơn là để làm thơ. Chuyện mộng của nhiều người với Bàng Bá Lân đã thành chuyện thực. Có nhiều người thanh niên làm gì thì làm vẫn ao ước thú điền viên, cái thú thân yêu của nhà nho ngày trước. Chính vì cảnh sắc của miền quê đó đã mang đến cảm hứng làm thơ, giúp Bàng Bá Lân tạo ra những tác phẩm nổi tiếng. Điều đó được thể hiện qua những vần thơ: “Quán cũ nằm lười trong sóng nắng. Bà hàng thưa khách ngả thiu thiu. Nghe mồ hôi chảy đầm như tắm. Đứng lặng trong mây một cánh diều”.
Hữu Trưởng