Quy mô mặt bằng kiến trúc thời Lý ở Thăng Long
Qua các cuộc khảo cổ học, các nhà khoa học phát hiện, thời Lý đã có nhiều mặt bằng kiến trúc nhất so với các thời kỳ khác. Mặt bằng kiến trúc thời Lý rất đa dạng gồm hình chữ nhật, hình vuông, lục giác, bát giác và hình tròn, trong đó mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật phổ biến và đa dạng nhất. Kiến trúc mặt bằng chữ nhật thay đổi khá đa dạng về số gian và số cột.
Trong khu di tích tại 18 Hoàng Diệu, các nhà khảo cổ còn tìm thấy loại hình kiến trúc rất đặc biệt có móng cột kép hình chữ nhật, mỗi móng cột có hai chân tảng đá. Đây có thể là loại kiến trúc có hai tầng mái trở lên. Mỗi công trình đều có sân và nền nhà được lát gạch vuông hoặc gạch hoa, đường cống nước, đường đi, giếng nước cho thấy quy hoạch bài bản và chức năng quan trọng của những công trình ấy. Đáng lưu ý, kích thước các kiến trúc thời Lý đều rất chuẩn mực về số đo. Tất cả các số đo chiều dài, chiều rộng lòng nhà, bước gian, bước cột… đều chia hết cho 3. Một số kiến trúc còn có hệ thống tường bao khép kín quanh khuôn viên. Quy mô các kiến trúc cũng thay đổi khá phong phú. Mặt bằng kiến trúc nhỏ nhất (lục giác) có diện tích 9,62m2. Dấu tích mặt bằng kiến trúc lớn đang được dự đoán có 11 gian với tổng diện tích trên 2000m2. Hình ảnh chi tiết những dấu tích mặt bằng kiến trúc thời Lý có trong tác phẩm “Kinh đô Thăng Long - những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên, NXB Hà Nội ấn hành trong dự án Tủ sách 1000 năm Thăng Long.
Thu Hương