Tầm quan trọng của khảo cổ học tại 18 Hoàng Diệu
Đây là cuộc khai quật lớn nhất ở Việt Nam làm phát lộ một hệ thống di tích, di vật có số lượng lớn nhất, phong phú, chồng xếp, nối tiếp liên tục qua hàng ngàn năm lịch sử, phản ảnh giá trị lịch sử, văn hóa hết sức to lớn về kinh đô Thăng Long từ thời tiền Thăng Long đến Lý, Trần, Lê sơ, Mạc, Lê Trung Hưng, Tây Sơn, Nguyễn. Trong cuốn sách “Kinh đô Thăng Long – những khám phá khảo cổ học” do PGS.TS Tống Trung Tín chủ biên có sơ đồ chi tiết các hố khai quật tại số 18 Hoàng Diệu. Dấu tích những móng cột và gạch ngói vụn hay dấu tích các loại móng cột nhồi ngói vụn, kê gỗ thuộc loại kỹ thuật chôn cột, đường nước, cống nước, giếng nước thời tiền Thăng Long vẫn còn khá rõ nét. Bên cạnh đó là dấu tích các móng cột kiểu “móng bè”, móng cột có chân tảng đá thời Đinh - Tiền Lê. Hình ảnh các loại ngói lợp và vật liệu trang trí trên mái bị đổ sập cũng xuất lộ trên các nền móng kiến trúc thời Lý - Trần. Toàn cảnh hệ thống dấu tích mặt bằng kiến trúc thời Lý xuất hiện dày đặc đan xen nhau bên các dấu tích thời Trần và Lê cho thấy sự đa dạng của kiến trúc Thăng Long xưa cũng như giá trị to lớn của việc khảo cổ tại địa chỉ này. Tác phẩm do NXB Hà Nội ấn hành trong dự án Tủ sách 1000 năm Thăng Long.
Thu Hương