Thầy giáo được người xưa tôn kính, nể vì
“Một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy”, hay “Không thầy đố mày làm nên” là những câu ca dao, tục ngữ của người dân Việt Nam khi nói về công ơn những người thầy, cô giáo. Thời xa xưa, những người An Nam đã rất kính trọng những thầy giáo dù cho bất cứ địa vị của họ trong xã hội như thế nào. Cuốn “Tư liệu văn hiến Thăng Long-Hà Nội: Tuyển tập tư liệu phương Tây trước 1945” đã kể về một câu chuyện một vị đại thần khi đến thăm người thầy cũ của mình vẫn là một thường dân luôn nói năng thưa gửi rất cung kính, không bao giờ dám ngồi cùng chiếu với thầy. Hay vua Hàm Nghi khi gặp lại thầy cũ của mình cũng hết mực kính cẩn, tôn trọng.
Những môn sinh luôn phải tôn kính, coi thầy giáo ngang bằng với cha mình. Tội trò giết thầy bị luật pháp khép vào tội con cái giết cha mẹ, không thể dung thứ. Người An Nam rất kính trọng người thầy, đối xử ân cần và luôn giúp đỡ những người thầy khi gặp khó khăn. Hầu hết những người thầy đều là vị quan về hưu, nho sĩ nghèo. Họ chấp nhận dạy học mà không nhận được bất cứ một đồng lương rõ ràng nào. Chủ yếu là những món quà, đồ ăn, nông sản từ cha mẹ của những đứa trẻ biếu tặng. Kết thúc các lớp ấu học, người thầy thường đi vận động trong làng, xã tiền bạc để giúp đỡ những đứa trẻ có tài tiếp tục theo đuổi đèn sách và dự những khoa thi. Người thầy làm những điều đó mà không mong được báo đáp, đó là trách nhiệm cũng như danh dự của những người thầy thời bấy giờ.
Hữu Trưởng