Một chuyện ứng xử ở nơi công cộng
Vào bên trong công viên, bé con nhà tôi hớn hở trước khung cảnh mới lạ, các trò chơi đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại. Sau các trò đu quay, cưỡi thú, vào thuỷ cung, cậu con hiếu động nhất định đòi chơi trò “Vào rừng săn thú”. Mặc cho người xếp hàng đã đông, chiều ý con tôi cũng cùng con xếp hàng mua vé. Dẫu mồ hôi nhễ nhại các ông bố bà mẹ cùng con vẫn kiên nhẫn đợi đến lượt. Đang đợi bỗng một chị mặc áo phông xanh tay phảy quạt cho mấy đứa trẻ trước mặt quay lại quát chị mặc áo đen phía sau đang một tay bế con: “Cái chị này, sao cứ thúc vào người tôi vậy?”
Chị mặc áo đen phân bua: “Là do người đàng sau đẩy chứ tôi có cố tình đâu, mà đông thế này tránh sao được sự va vào người nhau”.
Chị mặc áo phông xanh gằn giọng: “Tôi không cần biết, chị cứ tránh xa tôi ra”.
Chị áo đen cũng không vừa, đáp lại: “Chị muốn vậy thì chỉ có về nhà chị”.
Một chị tóc cắt ngắn, cánh tay lộ rõ hình săm trổ - người cùng đoàn với chị áo phông xanh - từ ngoài hàng vằn mắt, chỉ mặt chị áo đen: “Đ. mẹ mày, còn muốn già mồm à, mày không nhìn thấy mấy đứa trẻ đứng trước hay sao mà còn xô vào?”
Chị áo đen dịu giọng hơn: “Thì tôi đã giải thích do người sau xô vào, tôi không cố tình, làm gì mà chị phải sừng sộ lên”.
“Mày lại còn cãi nữa à?” - Chị ta vừa nói vừa định xông vào trực đánh chị áo đen.
Đúng lúc đó có một người đàn ông - chồng chị áo đen - từ dưới đi lên quát to: “Chị kia, định làm loạn đấy à?”
Sau lời lớn tiếng của chồng chị áo đen cùng những góp ý của người xung quanh, vụ cãi vã mới dừng lại. Chứng kiến sự việc, tôi chợt nghĩ người lớn ứng xử với nhau như vậy thì hỏi sao dạy con trẻ phải ngoan ngoãn lễ phép được; và ở nơi công cộng giá như ai cũng “lựa lời mà nói” thì cuộc tham quan du ngoạn vui và ý nghĩa biết mấy.
Ngọc Linh