Xem bóng đá cũng cần có văn hóa
Tôi vốn ngại chốn quán xá đông người nên toàn bộ những trận đấu bóng vòng loại World Cup 2014 đều xem ở nhà. Nhưng vào vòng bán kết Đức gặp Brazil, được đánh giá là trận đấu so tài gay cấn, lại được mấy ông bạn thân, vốn là tín đồ bóng đá rủ ra quán cà phê có màn hình lớn, đông người xem, tiện hò reo thì mới khí thế nên tôi đi ngay. Chúng tôi tìm được quán có vỉa hè khá rộng, kèm với màn hình lớn, có khá đông người xem, mặc dù lúc này đã gần 3h sáng. Khi bước vào quán, đập vào mắt là hình ảnh người nói người cười lộm nhộm, nền quán đầy vỏ bia, lá chuối, vỏ hạt hướng dương, người gác chân lên ghế, lên bàn, có kẻ ngồi chồm hỗm... khiến tôi hơi ngại, nhưng rồi tình yêu bóng đá, cùng với sự hào hứng nên tôi cũng vào ngồi để xem.
Đúng 3h hai đội ra sân, mọi con mắt đều hướng về màn hình. Bắt đầu bóng lăn, mọi người trong quán hò reo cổ vũ, xen lẫn những tiếng lách cách chạm bia, thi thoảng cả quán lại ồ lên râm ran,... Trận đấu đang diễn ra thì bỗng có tiếng đập bàn mạnh cùng những câu chửi của một người đàn ông nhiều tuổi, áo ba lỗ, miệng không ngớt câu: “Đ. mẹ nó đá như c., cho mẹ nó ra sân đi!” khiến cho mọi người dù đang dán mắt vào mành hình cũng phải đảo sang nhìn!? Thế rồi với sự hấp dẫn của trận bán kết giữa 2 đội bóng hàng đầu nên mọi người lại nhanh chóng hướng vào trận cầu tâm điểm. Trận bóng đang gay cấn thì chúng tôi nghe tiếp tiếng của mấy cậu thanh niên tuổi teen ở bàn bên: “Vãi chưởng... thằng này mắt mù không đón được bóng...”, “Đ. mẹ nó đá dở bỏ mẹ!” cùng với đó là những động tác phản cảm, cho chân lên bàn, ném bật lửa, nắp bia xuống nền quán của mấy cậu thanh niên đó...
Mặc dù xem ở quán đông vui nhưng liên tục bị tra tấn bởi những hình ảnh, những câu chửi bậy phản cảm nên hết hiệp một tôi nhất quyết đi về. Tôi chợt nhớ tới trong chương trình Thể thao 24/7 trước đó có nói đến văn hóa xem bóng đá của người dân Singapore, vì ở đây xem Wold Cup phải trả tiền rất cao nên có những tổ chức đã tổ chức các phòng xem Wold Cup miễn phí cho người dân trong những hội trường lớn, có ghế ngồi, kèm theo nước uống, đồ ăn miễn phí. Và mọi người khi đến xem họ ngồi rất ngay ngắn, từ tốn; họ không xả rác; họ cũng cổ vũ nhưng rất văn minh lịch sự,...
Đã đành xem bóng đá phải có hò reo, bình luận và có đủ cả cung bậc cảm xúc, nhưng cũng không có nghĩa là văng tục, chửi bậy. Như thế đâu còn gọi là văn hóa thể thao.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội