Ra tới cửa, thấy trời vẫn nắng chang chang, chỉ thấy nước trên mái tôn nhà bên cạnh bị nước chảy tong tong từ trên tầng ba xuống. Bác hàng xóm hậm hực vội vã thu mớ lạc quê ra khỏi chỗ nước chảy.
Ở khu tập thể của tôi không có đồng hồ nước cho mỗi hộ gia đình, cả khu chung một đồng hồ rồi hàng tháng chia bình quân đầu người từ người già đến em bé. Ngày bơm nước hai lần vào buổi sáng và chiều tối. Để trữ nước, một số hộ gia đình lắp thêm bồn chứa riêng, nhưng tệ hại là có nhà xả nước vào bồn rồi bỏ đó đóng cửa đi ra ngoài làm nước tràn hàng tiếng đồng hồ. Điều này thực sự gây bức xúc cho nhiều người nhất là với những hộ gia đình ở tầng 1 khi trời nắng chang chang mà nước chảy tràn xuống mái tôn ào ạt, lênh láng sân tập thể. Sự việc không phải là lần đầu, nhiều gia đình hay để bồn nước bị tràn đã được góp ý, vậy mà “nước vẫn đổ đầu vịt”.
Nhìn nước chảy, tôi thấy lòng buồn khi nghĩ đến những chiến sĩ nơi đảo xa phải tiết kiệm từng giọt nước ngọt và gần hơn là cuộc sống của hàng chục nghìn hộ dân phía tây nam Hà Nội xáo trộn vì sự cố vỡ ống nước sông Đà. Quần áo chất đống bốc mùi, nhiều gia đình dáo dác tìm nơi sơ tán, một số trường học phải đóng cửa vì không có nước dùng. Hay như những người dân ở khu vực Hoàng Mai những ngày mất nước đã cố gắng hứng cả ngày mới được một xô nước... Phải chăng mỗi người cứ phải ở trong hoàn cảnh “khát” nước mới biết trân trọng và tiết kiệm từng giọt nước.
Ly Đàm
Nhà xuất bản Hà Nội