Đi ô tô chừng 1 giờ chúng tôi đến chùa Thầy, nơi gắn với vị sư tổ thời Lý Từ Đạo Hạnh, người có công truyền bá Phật giáo, xây dựng chùa, chữa bệnh, dạy nghề rối cho người dân Sài Sơn. Đang ở trong một không gian chật chội của Thủ đô, đến chùa Thầy với không gian kiến trúc Phật giáo vừa trang nghiêm, cổ kính vừa tĩnh mịch lại gần gũi với cảnh sắc thiên nhiên của hồ nước, núi non, cây cối không khí trong lành khiến cho tâm hồn thật nhẹ nhõm, thanh tịnh.
Cả đoàn chúng tôi được hướng dẫn viên của điểm di tích địa phương hướng dẫn hành lễ. Tới mỗi điểm người hướng dẫn đều thuyết minh cho chúng tôi biết về lịch sử, ý nghĩa của mỗi pho tượng, ban thờ... Sau khi lễ các ban chính, theo hướng dẫn chúng tôi đến nhà Mẫu, ở đó chúng tôi lại được nghe thuyết minh về đạo Mẫu cũng như ý nghĩa của việc thờ Mẫu nơi đây...
Trong lúc cả đoàn chúng tôi đang cầu khấn thì có hai người phụ nữ địa phương vừa dúi vào tay chúng tôi những chiếc khánh, bùa, lộc... vừa nói “cầm lấy và khấn để mẫu chứng cho rồi mang lộc về nhà...”. Trong lúc đang khấn vái, tôi cũng như mọi người đều cầm đại và khấn vái, cầu xin. Khấn vái xong xuôi, họ đòi tiền lúc đó mọi người mới ngã người hoá ra không phải là lộc phát mà phải trả tiền, người ít cũng 50.000, người nhiều thì một trăm đến hai trăm nghìn...
Ra khỏi cửa, ai nấy đều bức xúc: Ai lại đúng lúc người ta đang khấn vái rồi dúi vào tay rồi nói là lộc, đúng là “lừa lộc” thì có....
Một em hết sức bức xúc việc này, tôi cũng nạn nhân, đành đắng đót tự an ủi và đùa: Cũng vì mình tham nên mới mắc. Nếu như mình không tham họ dúi vào tay, mình không cầm thì đâu bị mắc “lừa” lộc này.
Trong một không gian non nước, cảnh sắc hữu tình cùng với thờ Phật trang nghiêm, giá như không bị “lừa” lộc thì cuộc vãn cảnh của chúng tôi có ý nghĩa và trọn vẹn biết bao.
Yên Khánh
Nhà xuất bản Hà Nội