Người Hà Nội ăn ở thủy chung
- Bà ơi, nhà mình có khách...
Cụ Bình lập cập từ phòng trong bước ra, mắt hấp háy vì nắng:
- Ai thế, con?
Hai bố con người đàn ông trung niên, ba lô tay nải, dáng như từ xa về, cất tiếng:
- Chào bà! Con là cháu ông Độ ở Bắc Ninh đây ạ. Hôm nay lên Hà Nội chơi Tết Độc lập, hai bố con đến thăm, biếu bà ít quà quê.
Cụ Bình hoạt bát hẳn lên:
- À cháu ông Độ đây hả? Lâu lắm mới thấy các cháu lên chơi. Xếp đồ vào đây, đi rửa mặt mũi tay chân, rồi các em nó đưa đi chơi, trưa về ăn cơm với bà...
Hơn 40 năm trước, giữa những ngày bom đạn của chiến tranh phá hoại, cơ quan cụ Bình sơ tán về vùng Thiên Thai - Bắc Ninh, nhà ông Độ được đón gia đình cụ Bình. Suốt những năm gian khổ ấy, cụ Bình cũng như nhiều gia đình Hà Nội sơ tán khác được bà con cưu mang, đùm bọc, lũ trẻ chia nhau củ khoai, bắp ngô, cùng nhau mũ rơm, túi thuốc đến trường.
Ngày giặc Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc, cơ quan cụ Bình về Hà Nội, hai bên vẫn thỉnh thoảng qua lại. Dịp Lễ tang Bác Hồ, cả gia đình ông Độ lên Hà Nội, ở nhà cụ Bình để được đi viếng Bác. Thấm thoắt đã từng ấy năm trời. Càng nghĩ, cụ Bình càng thấy cái ân, cái nghĩa đồng bào sâu nặng lắm. Cụ vẫn thường dạy bảo con cháu, nhắc nhở về những ngày kháng chiến gian truân mà thanh thản ấy.
Mỗi dịp kỷ niệm Quốc khánh, ngày lễ, con cháu ông Độ hay người làng về chơi, cả nhà cụ Bình đều vồn vã, đón tiếp ân cần, chu đáo như đón người thân. Con cháu hiểu lòng cụ, hiểu đạo lý, hết lòng ủng hộ cụ. Ngày ông Độ mất, cụ Bình yếu không đi xa được, anh con cả thay mặt gia đình về phúng viếng, cả làng cứ tấm tắc khen người Hà Nội ăn ở có thủy có chung.
Thu Linh
Nhà xuất bản Hà Nội