Nét riêng người và phố của Hà Nội xưa
Ngõ Trạm tức là phố Hà Trung vì theo bản đồ Hà Nội ngày xưa, phố Hà Trung ở vào chính giữa mà bốn, năm mươi năm về trước, chỉ là một cái ngõ hẹp. Người ta sử dụng làm lối tắt do các ngả vào thành và từ trong thành đi ra bên ngoài. Ngõ ấy có một cái nhà trạm, nhận các công văn ở trong tỉnh chuyển đệ đi các nơi. Cái nhà ấy ở vào giữa phố. Chừng bốn mươi năm trước, từ phía Hàng Da đi xuống, ai qua phố ấy, thường vẫn thấy về bên tay phải, một cái nhà một tầng chật hẹp và lụp xụp, bên ngoài che mành mành. Đó tức là nhà trạm. Ngày nay phố chật người đông cái di chỉ ấy không còn nữa. Tại nhà trạm ấy có một viên dịch thừa trông nom, dưới quyền có những lính trạm để sai phái. Những lính trạm ấy tạo thành một hạng người đặc biệt trong xã hội là bởi do người ta lấy những kẻ táo tợn sung vào. Lính trạm ở rải rác trong ngõ, hàng ngày đến nhà trạm một lần để chờ có việc sai phái.Kẻ nào nhận được việc ra đi, trên đầu có đội một cái nón dấu sơn, chop nón thường cắm lông đuôi gà, quần áo thường mặc như lính lệ, ngắn đến đầu gối. Còn những kẻ không có việc sai đi, thì lại tụ tập ở các nhà chuyên việc cờ bạc lột nhau, hay hút xách hoặc bàn tán những chuyện nhảm nhí. Vì công việc hàng ngày đó đã gây cho họ một cái huy hiệu chung là “giai Ngõ Trạm” khiến cho những người lương thiện thời đó ban đêm qua lại ngõ thường phải lưu ý đề phòng.
Đối lại vơi “giai Ngõ Trạm” là “gái Tạm Thương”. Bây giờ người ta còn nhận thấy ở trong những câu ca dao cái tinh thần của ngõ ấy đại để như câu:
Em là con gái Tạm Thương,
Dù không cày cấy, lương vàng cũng có một đôi quay.
Ghét cho miệng thế đặt bày,
Moi gan móc ruột khéo lựa điều này tiếng kia.
Đó là lời các cô gái Tạm Thương muốn minh oan vì người đời đã buộc cho những tiếng ác để chực kiếm tấm chồng. Nhưng thế gian chẳng ít thì nhiều, không dưng ai có đặt điều cho ai.. Bởi vậy, các cô dù muốn cãi thế nào, kết cục đức ông chồng của các cô ngoài “giai Ngõ Trạm” ra ít có người được vừa đôi phải lứa. Ta hãy cùng ngẫm câu ca dao này:
Anh giai Ngõ Trạm phải hèn
Phường trên ngõ dưới biết tên những ngày.
Duyên lành chắp mối đấy đây,
Tạm Thương cô Choắt một tay chẳng vừa.
Sớm cùng phận đẹp duyên ưa,
Ông Tơ bà Nguyệt dắt đưa nên gần.
Ngõ Tạm Thương xưa một đầu phía Hàng Bông, một đầu thông sang phố Hàng Mành. Dù chỉ là con ngõ hẹp, nhưng cái tên gọi của nó rất có giá trị về quốc cố. Tạm thương nghĩa là một kho tạm. Nguyên chính phủ ngày xưa, hàng năm lấy thuế của dân cả tiền lẫn thóc. Dân đem tiền và thóc lên tỉnh nộp, gọi là “đăng trường”. Thóc của dân xã nào chưa được đăng trường ngay, phải đem trữ vào các tạm thương trong ít ngày trên chính con ngõ này. Công việc xúc thóc, đổ thóc trong các tạm thương ấy phần nhiều là đàn bà con gái ở ngõ này đảm nhận. Con gái làm ở các tạm thương này có tiếng là nanh nọc nhất là Thị Choắt nổi tiếng đã đi vào ca dao. Ngoài công việc chính làm ở các tạm thương họ còn làm những việc oái ăm như đánh nhau, chửi nhau thuê nữa. Đối địch được với họ chỉ có “giai Ngõ Trạm”.
Hà Nội ngày nay đã khác xưa rồi. Phố đã khác và người cũng khác. Có dịp bạn đi qua phố Ngõ Trạm và ngõ Tạm Thương bạn thử tìm kiếm xem có nét nào về phố và người của Hà Nội xưa còn phảng phất không nhé.
Trần Linh tổng hợp