Lòng tự hào và trách nhiệm nghề biên tập xuất bản
Nghề biên tập là nghề truyền bá và kế thừa văn hóa, xây dựng tâm hồn con người, xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Biên tập là một nghề có tính sáng tạo cao, bởi nó đồng hành với tác giả tạo nên các giá trị văn hóa tinh thần, giá trị cơ bản nhất, “linh hồn” của mỗi xuất bản phẩm. Sáng tác mỗi tác phẩm là sự sáng tạo độc đáo của tác giả, biên tập mỗi tác phẩm cũng là sự tiếp tục sáng tạo, sáng tạo thêm một lần nữa của biên tập viên. Do vậy, biên tập là một nghề đầy sức quyến rũ, cho phép biên tập viên phát huy tối đa tính sáng tạo, khả năng tưởng tượng, khả năng nghiên cứu, khả năng thể hiện trong công tác cụ thể và có thể đem lại cho những người làm nghề này cảm giác thỏa mãn, thăng hoa với những thành công để họ có thể tự hào và gắn bó với nghề.
Biên tập là nghề vinh quang đồng thời cũng là nghề đòi hỏi ý thức trách nhiệm. Biên tập góp phần thiết kế, tạo dựng đời sống văn hóa, khai thác và truyền bá các giá trị văn hóa, xây dựng nhân cách con người. Biên tập phát hiện, bồi dưỡng các nhân tài văn hóa. Với những ý nghĩa này, biên tập cũng là những “kỹ sư tâm hồn” có trách nhiệm vô cùng to lớn đối với đời sống tinh thần xã hội. Người biên tập viên nếu như không có ý thức đầy đủ về trách nhiệm của nghề thì dễ để lại những sai sót gây ảnh hưởng đến sự ổn định và phát triển của xã hội, sự thịnh suy của văn hóa, sự lành mạnh của tâm hồn; ảnh hưởng đến vận mệnh và tương lai của tác giả và độc giả. Như nhà văn hóa Nga N.I.Pirôgôp đã từng nói: “Sách - đó là xã hội. Cuốn sách tốt giống như xã hội tốt, nó giáo dục và nâng cao ý thức và nhân cách. Hãy nói cho tôi biết anh đọc những cuốn sách như thế nào tôi sẽ nói anh là ai”.
Trách nhiệm cao cả trước xã hội, trước các tác giả và độc giả đòi hỏi người cán bộ biên tập phải luôn nâng cao năng lực, bản lĩnh nghề nghiệp của mình. Bởi có năng lực nghề nghiệp mới có thể nắm đúng được nhu cầu xã hội, phát hiện được đề tài, đánh giá đúng và nâng cao được chất lượng tác phẩm. Có như vậy mới tránh được những sai lầm bỏ sót các nhân tài văn hóa, đưa tới bạn đọc những món ăn tinh thần không có “sạn”, không có “độc”. Đó là đòi hỏi cao về ý thức trách nhiệm của người cán bộ biên tập xuất bản.
Xây dựng lý tưởng nghề biên tập xuất bản là mô hình phấn đấu suốt đời của một biên tập viên. Không một khoa nào, một trường đại học nào có thể đào tạo trong một khóa học được ngay một biên tập viên đạt các phẩm chất nghề nghiệp. Và sự nghiệp đào tạo cán bộ biên tập cũng không thể cầu toàn. Một người biên tập cụ thể không thể tinh thông tất cả các bộ phận tri thức bao gồm tri thức cơ sở văn hóa, tri thức nghiệp vụ biên tập, tri thức chuyên môn sâu có liên quan, tri thức quản lý kinh doanh xuất bản phẩm. Nhưng người biên tập phải phấn đấu để có một tri thức đa dạng, giỏi chuyên sâu một mặt nào đó và có thể thích ứng với yêu cầu của một số mặt khác. Biên tập viên phải luôn cố gắng hoàn thiện mình trong thực tiễn công tác, kết hợp làm biên tập với học tập… Và đó cũng chính là yêu cầu về phẩm chất lý tưởng của người cán bộ biên tập xuất bản.
Trần Duy