Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ    
Thứ ba, 16/10/2018 10:39
Tấm lòng của Bác Hồ với Thủ đô Hà Nội

 

Thủ đô Hà Nội là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ở và làm việc lâu nhất trong cuộc đời Cách mạng của Người và Người cũng dành tình cảm đặc biệt cho Hà Nội. Người luôn mong muốn Thủ đô phải đầu tầu gương mẫu trong mọi mặt.

 

Tình cảm của Người dành cho Thủ đô, cho người dân Hà Nội được thể hiện qua các bài viết, lời động viên nhắc nhở cụ thể, kịp thời, đúng người đúng việc. Ngay từ lúc Hà Nội còn nằm trong vùng tạm chiếm của giặc, Bác từ chiến khu đã gửi thư vào động viên: “Đồng bào trong và ngoại Hà Nội đương đầu với giặc Pháp trước hết, lâu hơn hết. Vì vậy, mà hy sinh, đau đớn, cực khổ nhiều hơn hết, mà cũng trung thành, gan góc, kiên quyết hơn hết. Đồng bào Hà Nội đang nêu gương dũng cảm cho toàn quốc… Đồng bào cố tiến lên. Ngày vẻ vang sẽ không xa” (Tháng 4/1949)

Vào dịp giải phóng Thủ đô tháng 10/1954, Bác viết trong bài “Ổn định sinh hoạt” btreen báo Nhân dân kêu gọi: “Mỗi người dân Hà Nội, bất kỳ thuộc tầng lớp nào, bất kỳ làm công việc gì, đều cần phải cố gắng làm tròn nhiệm vụ của mình, đều cần góp phần vào công việc ổn định sinh hoạt của Thủ đô ta”.

Ngày 24/1/1958, Bác Hồ gửi thư cho Hội đồng nhân dân Thành phố, Bác viết: “Giữ vững và phát triển thuần phong mỹ tục làm cho Thủ đô ta ngày càng tươi đẹp, phồn thịnh và trở nên một thành phố gương mẫu cho cả nước”.

Nói chuyện với Đại hội Đảng bộ Thành phố Hà Nội lần thứ nhất ngày 25/4/1959, Bác huấn thị: “Đảng bộ Hà Nội phải làm gương mẫu cho các đảng bộ khác. Thủ đô Hà Nội phải làm thế nào để trở thành một thủ đô xã hội chủ nghĩa”.

Dù yêu quý Thủ đô, Bác vẫn không quên nhắc nhở, phê bình những việc làm chưa hay, chưa tốt. Trong cuộc gặp gỡ đại biểu nhân dân Thủ đô chào mừng các ứng cử viên đại biểu Quốc hội khóa III (14/4/1964), Bác nhấn mạnh đến phong trào vệ sinh môi trường của Thành phố, Bác căn dặn: “Chúng ta ngày nào cũng rửa mặt, đánh răng, thì thành phố của chúng ta ngày nào cũng phải quét dọn tươm tất. Chúng ta phải làm cho Thủ đô ta ngày càng sạch sẽ vui tươi”. Làm đẹp thành phố, chống các biểu hiện tiêu cực là trách nhiệm của tất cả mọi người, trước hết là với đảng viên. Bác nói: “Cần nêu cao tinh thàn làm chủ. Ví dụ như nhà mình có rác thì phải cầm chổi quét chứ không phải kêu la mà nhà sạch được. Kêu la mà không tự mình quét là thiếu tinh thần cách mạng, tinh thần làm chủ” (Lời Bác nói tại Đại hội Đảng bộ các cơ quan Trung ương vào ngày 1/7/1960).

Bác cũng không thiên vị và khoan nhượng đối với Hà Nội. Còn nhớ năm 1958, Hà Nội thanh toán xong nạn mù chữ, nghe tin Bác Hồ tặng cho Huân chương lao động hạng nhì. Khi đó Chủ tịch ủy ban hành chính thành phố ông Trần Duy Hưng và ông Hồ Đắc Điềm trong Ban chỉ đạo vận động Bổ túc văn hóa xin Bác cho Hà Nội Huân chương lao động hạng nhất. Bác suy nghĩ một lúc rồi gọi hai người lại gần bức tường, Bác vạch một giwois hạn rồi bảo: “Nam Định được thế này thì tặng Huân chương lao động hạng nhất. Hà Nội cũng được thế này, nhưng chỉ cho hạng nhì thôi. Thủ đô thì phải cao hơn mới được hạng nhất!”. Bác nheo mắt nhìn ông Điểm, nói tiếp; “Hà Nội có ông Điểm mà không làm được à?”. Đúng là Bác có cách giải quyết vừa là răn, vừa là khen, lại vừa khích lệ, rất giản dị và đẹp lòng người.

Bây giờ Bác đã đi xa, nhưng những lời Bác dạy Đảng bộ và nhân dân Hà Nội vẫn còn nguyên giá trị, vẫn thôi thúc chúng ta phấn đấu cao hơn để xứng đáng là trái tim của cả nước, xây dựng người Hà Nội thanh lịch văn minh, đẩy mạnh cải cách hành chính tạo điều kiện cho người dân làm chủ Thành phố.

 Trần Linh

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)