Nhìn lại những gian lận thi cử trong các triều đại phong kiến nước ta
Từ năm 1075 đến năm 1919, các triều đại phong kiến Việt Nam đã tiến hành rất nhiều kỳ thi nhằm lựa chọn người có thực tài tham gia việc triều chính. Mặc dầu các kỳ thi này có những quy định nghiêm ngặt đối với thí sinh dự thi, có người coi và chấm thi, song gian lận trong thi cử vẫn xảy ra.
Người Việt Nam vốn coi trọng việc học hành, bởi họ quan niệm rằng học hành là con đường tiến thân duy nhất, trở thành người có địa vị, được xã hội trọng vọng. Và thi cử chính là một bước quan trọng đánh dấu quá trình học vấn của mỗi người. Học chăm chỉ, chịu khó thì việc thi đỗ là đương nhiên, nhưng lười biếng, dốt nát mà cũng muốn có chút tiếng tăm thì phải nghĩ cách gian lận. Gian lận có nhiều cách nhờ người thi hộ, mang tài liệu vào phòng thi, nhìn bài chép bài của người bên cạnh, rồi gian lận trong khâu coi thi, chấm thi… Đương nhiên, việc gian lận này được tiến hành trot lọt cũng một phần do lỗi của khâu tổ chức thi đã không thực hiện nghiêm túc các quy chế thi đã đề ra. Ngay cả đức vua Lê Thánh Tông, một vị vua được coi là anh minh, sáng suốt bậc nhất triều Lê sơ cũng mắc phải lỗi này, ông không bao che cho ai, nhưng đã để cảm quan lấn át, đánh trượt 13 người trong kỳ thi Đình (khi nhìn thấy mặt họ). Hoặc là vị vua Lê Tương Dực đã cho phép Nguyên Vũ (đã trượt kỳ thi Hội) được thi lại và tham dự kỳ thi Đình, người sau này đỗ tới Đệ nhị giáp Tiến sĩ. Người đời không thể phủ nhận tài năng của ông nhưng hành động “gian ơn” của đức vua cũng đã vi phạm quy chế thi cử. Vua còn như vậy huống hồ là bề tôi.
Sự kiện thi cử gây tai tiếng nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam là kỳ thi Hương năm 1750 dưới thời chúa Trịnh Doanh. Các thí sinh không phải trải qua kỳ khảo hạch, mà chỉ cần nộp ba quan tiền sẽ được dự kỳ thi Hương. Chẳng thế mà những người giàu có, buôn bán, hát xướng, muốn có chút tiếng tăm đã thi nhau nộp tiền “thông kinh” để toại nguyện. Quang cảnh kỳ thi Hương năm đó thật hỗn loạn, các thí sinh người thì mang bài vào, người thì hỏi bài nhau, người thì đi thi hộ… Còn các quan trường thì công khai gửi các conchaus lẫn nhau, bảo bài cho thí sinh, chẳng ai biết đến quy chế thi cử là gì nữa. Với kiểu thi này thì người thực tài khó lòng mà đỗ được, còn người dốt nát lại được dịp vênh vang khoe danh tiếng của mình; để rồi dư luận lại xôn xao bàn tán. Không những thế, tiếng xấu về lớp “sinh đồ ba quan” này còn lưu mãi với “bia miệng” thế gian.
Tuy nhiên dưới các triều đại phong kiến nói chung, các vụ việc gian lận thi cử nếu bị phát giác thì đều bị xử lý khá nghiêm khắc để làm gương cho thiên hạ. Chẳng hạn, Hồ Sĩ Dương đã đỗ Giải nguyên năm 1645, đi thi hộ năm 1648 bị phát giác đã phải đi lính và bị cắt mất học vị Hương cống; hay như Ngô Sách Tuân chấm thi gian lận năm 1696 đã bị xử tử; hoặc Bùi Trọng Huyến - Đề điệu (Chánh chủ khảo) trường thi Hương năm 1763 nhận hối lộ bị bãi chức… Vụ “sinh đồ ba quan” đã nói ở trên, khi bị chúa Trịnh phát hiện cũng đã bị xử lý nghiêm minh. Toàn bộ các thí sinh ở kỳ thi năm đó phải thi lại và lẽ dĩ nhiên là số lượng người trượt rất đông. Các quan tổ chức kỳ thi năm đó cũng đều bị định tội.
Việc vi phạm quy chế thi cử chủ yếu xảy ra ở các kỳ khảo hạch và thi Hương, do lỗi của các quan chức địa phương làm việc không công minh hoặc thiếu chu đáo. Chính sự gian lận này đã góp phần tạo ra một lớp quan lại dốt nát nắm quyền ở các địa phương, họ đã ra sức bóc lột quần chúng nhân dân. Cùng với tệ mua quan bán tước, gian lận trong thi cử đã ảnh hưởng không nhỏ tới chế độ chính trị, thể thức đêì hành các công việc của nhà nước phong kiến Đại Việt trong lịch sử.
Việc học tập - thi cử là chặng đường gần như mỗi thí sinh đều phải trải qua để có thể đạt tới một trình độ nhận thức và học vấn nhất định. Tuy mỗi người chọn một hướng học tập riêng và mục đích học tập của mỗi người cũng khác nhau. Có người học để ra làm quan, giúp ích cho dân cho nước; có người học để có kiến thức truyền thụ lại cho thế hệ sau; người để thấu hiểu lẽ đời; người khác để đúc kết nên những trang sách nghiên cứu về cuộc sống, về nhân sinh, về khoa học thường thức… Song tất cả họ đều có một điểm chung duy nhất, đó là học để cho chính mình trở thành “nhân” với ý nghĩa đầy đủ và trọn vẹn nhất của từ này.
Gian lận thi cử ở dưới bất cứ thể chế chính trị nào và ở bất cứ quốc gia nào cũng có, song mỗi người chúng ta ý thức việc học là cho chính bản thân mình thì những nghịch cảnh đau lòng sẽ được hạn chế đi rất nhiều.
Linh Trần