Đặc trưng của kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội và bài học kinh nghiệm trong phát triển kinh tế hàng hóa thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa
Với vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên đặc biệt nằm giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ cùng với những điều kiện giao thông thủy bộ thuận lợi, từ năm 1010 Thăng Long – Hà Nội đã được vua Lý Thái Tổ chọn làm Kinh đô của đất nước Đại Việt. Với vị thế về địa tự nhiên – kinh tế - chính trị - văn hóa, Thăng Long – Hà Nội có một nền kinh tế hàng hóa đô thị lâu đời nhất nước ta. Khi trở thành Kinh đô, cư dân buôn bán, thợ thủ công từ nhiều miền đã kéo về đây sinh cơ lập nghiệp, những phường thủ công buôn bán đã xuất hiện. Vào thế kỷ XVII – XVIII, kinh tế Thăng Long có sự phát triển hưng thịnh. Khi đó ở Thăng Long đã xuất hiện những thương điếm của người Hà Lan, Anh, Pháp… đến giao dịch buôn bán. Xét về phương diện lịch sử, Thăng Long – Hà Nội xưa và nay vẫn là đầu mối giao thông quan trọng của đất nước, là trung tâm kinh tế vùng, một giao điểm của trục tuyến kinh tế có quan hệ mật thiết gắn bó với các địa phương trong cả nước.

Cuốn “Kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển”
Từ đầu thế kỷ XVI đến cuối XVIII, Thăng Long – Kẻ Chợ đã đạt đến giai đoạn cực thịnh, thời kỳ hoàng kim của sự phát triển đô thị.
Nội dung cuốn sách gồm 7 chương:
Chương I. Kinh tế hàng hóa và phát triển kinh tế hàng hóa ở Thủ đô – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn.
Chương II. Kinh tế hàng hóa Thăng Long thời kỳ phong kiến (1010 -1888).
Chương III. Kinh tế hàng hóa Hà Nội thời kỳ thực dân Pháp đô hộ và tạm chiếm (1888 – 1954).
Chương IV. Kinh tế hàng hóa Hà Nội thời kỳ trước đổi mới (từ năm 1955-1985).
Chương V. Kinh tế hàng hóa Hà Nội thời kỳ đổi mới (từ năm 1986 đến nay).
Chương VI. Đặc trưng và bài học kinh nghiệm trong tiến trình phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội (từ năm 1010 đến nay).
Chương VII. Phương hướng, giải pháp nhằm đẩy mạnh phát triển kinh tế hàng hóa, từng bước xây dựng và phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội đến năm 2020.
Trong suốt chiều dài 1000 năm lịch sử, với vị trí là trung tâm lớn về chính trị, kinh tế, văn hóa, kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội đã được hình thành sớm và từng bước được phát triển, ngày càng tạo ra những chuyển biến đáng kể. Trong sự phát triển của Thăng Long – Hà Nội, đặc biệt trong những năm đổi mới, kinh tế hàng hóa có sự khởi sắc làm sống động hoạt động kinh tế - xã hội của Thủ đô. Kinh tế Hà Nội tăng trưởng nhanh và liên tục. Các loại hình kinh doanh thương mại, dịch vụ tài chính – tiền tệ cũng được phát triển để hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa, gắn kết kinh tế Thủ đô với các vùng trong nước và thị trường ngoài nước.
Trên cơ sở khảo sát thực trạng phát triển kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử đề tài đã khái quát, rút ra các đặc trưng chung của nền kinh tế hàng hóa và đội ngũ doanh nhân Hà Nội. Kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội xưa và nay luôn là nơi tiếp nhận và hội tụ của nhiều ngành nghề từ các địa phương trong nước. Trong tương lai với nhiều triển vọng và thời cơ để phát triển nhưng Hà Nội cũng vẫn còn không ít khó khăn và thách thức. Từ thực tiễn 1000 năm phát triển kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội, đề tài đã rút ra những bài học kinh nghiệm, định hướng và một số giải pháp phát triển kinh tế thị trường ở Hà Nội đến năm 2020. Với tinh thần phát huy hào khí Thăng Long, tiếp tục thành quả của 20 năm đổi mới, thủ đô Hà Nội quyết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, đẩy mạnh toàn diện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, xứng đáng với tầm vóc và vị thế “Thủ đô ngàn năm văn hiến”, “Thủ đô anh hùng”, “Trái tim của cả nước”.
Là đề tài mang tính nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thuộc Chương trình khoa học cấp Nhà nước KX.09 “Nghiên cứu phát huy điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội và giá trị lịch sử - văn hóa, phục vụ phát triển toàn diện Thủ đô”, cuốn sách “Kinh tế hàng hóa của Thăng Long – Hà Nội: Đặc trưng và kinh nghiệm phát triển” cho độc giả thấy được động thái phát triển kinh tế hàng hóa Thăng Long – Hà Nội cùng với những giá trị vật chất và tinh thần thể hiện sức sống của Thăng Long – Hà Nội qua các thời kỳ lịch sử. Từ đó, kế thừa những thành quả kinh tế để tiếp tục thúc đẩy kinh tế hàng hóa Thủ đô trong thời kỳ mới – thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển kinh tế thị trường cùng quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là công trình có ý nghĩa lý luận và thực tiễn ứng dụng hướng đến kỷ niệm 1000 năm Thăng Long Hà Nội, xứng đáng nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Minh Phương
Nhà xuất bản Hà Nội