Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 29/05/2014 03:23
Vận dụng những bài học lịch sử trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa

Cuốn “Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử và bài học” do PGS.TS. Vũ Văn Quân, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, TS. Đoàn Minh Huấn đồng chủ biên nằm trong bộ sách 11 tập tổng kết một thiên niên kỷ xây dựng và bảo vệ Thăng Long – Hà Nội được Nhà xuất bản Hà Nội ấn hành, ra mắt độc giả vào dịp Đại lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.Đây là công trình tổng kết lịch sử mang tính nghiên cứu cơ bản và ứng dụng đóng góp một phần nhỏ bé vào việc nghiên cứu Thăng Long – Hà Nội, vào công cuộc phát triển thủ đô Hà Nội xứng đáng với vị trí, vai trò và sự kỳ vọng của nhân dân cả nước.

 

Hà Nội đã tròn 1000 năm tuổi. Trong mười thế kỷ nay, Thăng Long – Hà Nội là thủ đô, là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước. Hà Nội đang trong quá trình chuyển đổi hết sức mạnh mẽ, từng ngày, từng giờ. Đó là thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo. Tuy nhiên vấn đề quản lý và phát triển Hà Nội như thế nào, trong 5 năm, 10 năm, 20 năm và xa hơn nữa là vấn đề cần phải bàn đến. Khảo sát lịch sử Thăng Long – Hà Nội trên phương diện quản lý và phát triển qua các thời kỳ cho đến nay để rút ra những bài học kinh nghiệm trên các mặt hiệu quả - không hiệu quả, thành công – không thành công là vấn đề khoa học có tính thời sự. Trên cơ sở những nghiên cứu đó, đề tài “Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước – những bài học về quản lý và phát triển” mã số KX.09.02 do Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển – Đại học Quốc gia Hà Nội chủ trì, PGS. TS. Vũ Văn Quân làm chủ nhiệm đã phân tích một cách khách quan, khoa học nhằm chỉ ra những mặt mạnh, mặt tích cực, khắc phục những mặt yếu, hạn chế của công tác quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với tư cách trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Đề tài giới hạn phạm vi nghiên cứu trên một số mặt, một số phương diện căn bản nhất của vấn đề. Trong hai nội dung quản lý và phát triển thì trọng tâm tập trung vào nội dung quản lý. Đối tượng nghiên cứu trực tiếp của đề tài là Thăng Long – Hà Nội, nhấn mạnh đến vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của đô thị này. Do đó, các vấn đề về quản lý và phát triển được tập trung khảo sát ở đây đều phải xuất phát từ đặc trưng đó. Trên cơ sở kế thừa thành tựu của các nhà nghiên cứu, các công trình nghiên cứu đi trước, đề tài tập trung khảo sát lịch sử Thăng Long – Hà Nội trên phương diện quản lý và phát triển, để rút ra những bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho việc định hướng các giải pháp tổ chức quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
 
Cuốn "Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội: Lịch sử và bài học"

Trong cuốn sách sẽ giới thiệu tập trung vào khảo sát về quản lý hành chính nhà nước ở đô thị. Đối tượng nghiên cứu ở đây là Thăng Long – Hà Nội, là một đô thị, từ trong lịch sử đến ngày nay mang những đặc trưng chung của đô thị Việt Nam là tính chất của đô thị phương Đông thời trung đại, tính chất của đô thị chuyển đổi sang mô hình phương Tây thời cận đại, nay vẫn thế vẫn thuộc mô hình đô thị chuyển đổi. Thăng Long – Hà Nội khác với nhiều đô thị khác ở Việt Nam, điểm khác biệt lớn nhất là vai trò trung tâm chính trị, hành chính quốc gia của đô thị này. Trong lịch sử của mình, Thăng Long – Hà Nội đã sớm được lựa chọn là trung tâm chính trị, hành chính, thậm chí có thể từ trước ngày Lý Công Uẩn định đô. Là trung tâm chính trị, hành chính của đất nước, Thăng Long – Hà Nội là nơi đóng cơ quan trung ương của toàn hệ thống chính trị. Vì thế, nghiên cứu về quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội là nghiên cứu về thiết chế quản lý và phát triển của địa phương Thăng Long – Hà Nội.

Lịch sử Thăng Long – Hà Nội là một quá trình vận động liên tục, trong đó nổi bật nhất là tính chất trung tâm chính trị, hành chính quốc gia hoặc vùng. Vì thế, trong nội dung cuốn sách, nghiên cứu tổng kết bài học về quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội sẽ là toàn bộ lịch sử của đô thị này nhưng tập trung khảo sát sâu hơn vào những giai đoạn mà Thăng Long – Hà Nội đóng vai trò trung tâm chính trị, hành chính của đất nước.

Cuốn sách có nội dung gồm 6 chương:

Chương I. Quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội từ định đô đến xâm lược của Pháp (1010-1873).

Chương II. Quản lý và phát triển thành phố Hà Nội thời kỳ Pháp thuộc (1873-1945).

Chương III. Quản lý và phát triển thành phố từ sau Cách mạng tháng Tám đến giải phóng Thủ đô (1945-1954).

Chương IV. Quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội từ 1955 đến 1975.

Chương V. Quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội từ 1975 đến nay.

Chương VI. Bài học về quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính của đất nước.

Trong tiến trình lịch sử ngàn năm, Thăng Long – Hà Nội đã đảm đương vai trò một đô thị có chức năng tổng hợp, trong đó chức năng chuyên biệt là trung tâm chính trị - hành chính đất nước. Nghiên cứu tiến trình lịch sử Thăng Long – Hà Nội với vai trò trung tâm chính trị - hành chính đất nước, định đô, quản lý và phát triển Thủ đô là những vấn đề thuộc khoa học và nghệ thuật cầm quyền, không chỉ liên quan đến địa vị của giai cấp thống trị, mà còn quyết định đến sự phát triển hay tụt hậu của quốc gia dân tộc. Với những nội dung được phân tích cụ thể, có thể thấy rằng, tổ chức không gian đô thị Thăng Long – Hà Nội thể hiện tính đa mục tiêu vì sự phát triển tự thân của bản thân đô thị, vì tổ chức và hoạt động của các cơ quan chính trị - hành chính đầu não quốc gia và vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển của cả nước. Tính đa mục tiêu đòi hỏi mỗi giải pháp phát triển của Hà Nội phải đặt trên hết yêu cầu đảm bảo môi trường, điều kiện thuận lợi cho tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị trung ương, vì sự nghiệp bảo vệ và phát triển của cả nước. Ở đây cái riêng bị hòa lẫn trong cái chung. Chính điều đó quy định tính đặc thù của tổ chức không gian đô thị Hà Nội.

Tổ chức không gian quyền lực thủ đô Hà Nội là vấn đề trọng yếu trong thể chế Thủ đô, với nhiều phạm vi quyền lực tác động: vùng Thủ đô, vùng Bắc Bộ, toàn quốc và thế giới. Tổ chức bộ máy chính quyền là vấn đề cơ bản trong quản lý và phát triển trung tâm chính trị - hành chính đất nước. Trong lịch sử nhà nước phong kiến đã tạo lập một tổ chức bộ máy với những cơ chế vận hành đặc thù để quản lý kinh thành Thăng Long. Bộ máy quản lý ở Thủ đô cần tổ chức thành 3 cấp độ: Hội đồng Vùng Thủ đô, địa phương Hà Nội và đô thị Hà Nội. Cả trong lịch sử cũng như hiện tại, giải quyết mối quan hệ giữa trung ương và địa phương là nội dung rất quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu lực và hiệu quả quản lý Thăng Long – Hà Nội trong phân định quản lý ngành và quản lý lãnh thổ, tách quản lý hành chính nhà nước ra khỏi quản lý sản xuất kinh doanh, đổi mới sự lãnh đạo – quản lý của trung ương đối với địa phương Hà Nội.

Cả trong lịch sử và hiện tại, Hà Nội thực hiện vai trò của một đô thị có chức năng trung tâm tổng hợp, do đó giải quyết mối quan hệ giữa chức năng chuyên biệt (trung tâm chính trị - hành chính) với chức năng tổng hợp là một vấn đề lớn trong quản lý và phát triển Thủ đô. Xử lý phù hợp mối quan hệ nêu trên thì các chức năng mới bổ trợ nhau, cùng tạo lực cộng hưởng phát huy vai trò, vị thế, quyền lực của Thủ đô, nếu xử lý thiếu hợp lý dễ dẫn tới chức năng thứ yếu cản trở chức năng chủ yếu.

Giải quyết mối quan hệ giữa chức năng chuyên biệt (trung tâm chính trị - hành chính) với các chức năng tổng hợp (trung tâm kinh tế, văn hóa, giáo dục); giữa chức năng đối nội và chức năng đối ngoại của Hà Nội là những vấn đề rất phức tạp thuộc về cấu trúc – chức năng của Hà Nội. Giải quyết tốt các mối quan hệ đó sẽ giúp xác định được hướng phát triển Hà Nội phù hợp.

Xây dựng Hà Nội thành trung tâm văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, phải lựa chọn những dịch vụ thể hiện tầm vóc và vai trò định hướng của một đô thị thực hiện chức năng trung tâm chính trị - hành chính. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm văn hóa đòi hỏi phải có những công cụ báo chí, xuất bản, nghệ thuật – biểu diễn đủ mạnh, đủ uy tín để quảng bá vị thế, hình ảnh Thủ đô. Xây dựng Hà Nội thành trung tâm giáo dục – đào tạo có chất lượng cao, trung tâm khoa học – công nghệ tiên tiến, không chỉ phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa Thủ đô mà còn cho cả nước là một phương thức tạo lập không gian ảnh hưởng, tạo thêm lực cộng hưởng để củng cố vai trò, vị thế, quyền lực của trung tâm chính trị - hành chính đất nước.

Cuốn sách đã nghiên cứu, tìm hiểu, phân tích, đánh giá những nội dung, bài học lịch sử trong quản lý và phát triển Thăng Long – Hà Nội với tư cách trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, từ đó đề xuất các giải pháp quản lý và phát triển thủ đô Hà Nội trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đây là công trình khoa học có ý nghĩa thiết thực phục vụ cho công tác quản lý và phát triển Thủ đô hiện tại và tương lai.


Hà Minh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)