Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ sáu, 30/05/2014 04:16
Những kinh nghiệm quý giá từ nền giáo dục khoa cử Nho học Thăng Long

Nền giáo dục Nho học Thăng Long – Hà Nội đã trải qua gần 850 năm tồn tại kể từ khi các triều đại phong kiến tiếp thu, cải biến những tư tưởng của Nho học Trung Hoa để làm công cụ truyền bá tư tưởng và làm giáo lý để thống nhất xã hội. Trải qua những thăng trầm của lịch sử, tuy có những hạn chế nhất định về nội dung và phương pháp học tập nhưng nền giáo dục và khoa của Nho học đã đào tạo cho nhà nước phong kiến Việt Nam một đội ngũ trí thức đông đảo, nhiều người có những đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong việc xây dựng và phát triển nền văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Cuốn sách “Giáo dục khoa cử Nho học Thăng Long – Hà Nội” đã thể hiện tương đối đầy đủ những khía cạnh của nền giáo dục và khoa cử Nho học của mảnh đất ngàn năm văn hiến.

Cuốn sách này là sự kế thừa các thành quả nghiên cứu giáo dục, khoa cử và các về các vị khoa bảng đã được công bố, kết hợp với những nghiên cứu thực địa của các tác giả ở nhiều địa phương và tra cứu lại nhiều nguồn tài liệu khác từ trước đến nay, có bổ sung các tư liệu mới được sưu tầm và bổ sung từ trong thực tế các làng, các địa phương, cùng với những tư liệu kế thừa từ những công trình nghiên cứu trước đó. Với gần 1000 trang khổ lớn, cuốn sách gồm 2 phần với VII chương.
 
Trong phần thứ nhất, tác giả đã có những khảo cứu chung về giáo dục và khoa cử Nho học Thăng Long – Hà Nội trong lịch sử, những dấu mốc chính của sự hình thành và phát triển của giáo dục khoa cử Nho học Việt Nam. Đồng thời trả lời cho câu hỏi tại sao ở các triều đại phong kiến khác nhau, giáo dục khoa cử Nho học lại có những vị thế khác nhau trong xã hội. Cũng trong phần này tác giả đã phân tích và lý giải vì sao “Thăng Long - Hà Nội” lại trở thành trung tâm giáo dục của cả nước qua nhiều thời kỳ lịch sử, cũng như đưa ra những tiêu chí để xác định “nhà khoa bảng Thăng Long - Hà Nội”. Và sau cùng trong phần này bạn đọc sẽ hiểu được những nhân tố tác động đến sự thành công về học hành và khoa cử của người Thăng Long - Hà Nội mà không phải địa phương nào cũng có được. Đặc biệt những bài học kinh nghiệm bổ ích được rút ra từ nền giáo dục khoa cử Nho học sẽ là những tư liệu cần thiết cho các nhà nghiên cứu, những bộ phận làm giáo dục nhất là trong bối cảnh nền giáo dục nước ta đang có không ít vấn đề còn bàn cãi.
 
Cuốn Giáo dục khoa cử Nho học Thăng Long – Hà Nội
 
Phần hai của cuốn sách sẽ giới thiệu tới đông đảo bạn đọc những khảo cứu cụ thể về các nhà khoa bảng Thăng Long – Hà Nội. Qua đây, chúng ta sẽ được biết đến các nhà khoa bảng của Thăng Long qua các vương triều được sắp xếp theo các đơn vị hành chính của Hà Nội hiện nay.
 
Ngoài ra phần phụ lục sẽ cung cấp cho bạn đọc đầy đủ danh mục các tiến sĩ, hương cống, cử nhân của Thăng Long – Hà Nội theo các đơn vị hành chính quận huyện hiện nay. Đây sẽ là những tư liệu thiết thực và hữu ích cho những nhà độc giả quan tâm nghiên cứu. Bên cạnh đó, nhóm biên soạn còn chú giải những từ ngữ liên quan đến giáo dục và khoa cử Nho học để độc giả dễ dàng tìm hiểu và tra cứu khi cần thiết.
 
Biên soạn cuốn sách này tác giả Bùi Xuân Đính và cộng sự mong muốn mang đến cho độc giả Thủ đô cùng đông đảo bạn đọc trong và ngoài nước, các nhà nghiên cứu lịch sử - văn hóa, các nhà nghiên cứu và quản lý giáo dục bức tranh toàn cảnh về truyền thống giáo dục và khoa cử Nho học của vùng đất Thăng Long – Hà Nội, được thể hiện cụ thể qua việc tổ chức học tập, thi cử, việc hình thành các trường học có danh tiếng trong lòng kinh thành Thăng Long và vùng phụ cận, việc xuất hiện các nhà giáo tâm huyết, đặc biệt truyền thống khoa cử của vùng đất Thăng Long – Hà Nội thông qua những thông tin chính yếu về số lượng các nhà khoa bảng (các vị tiến sĩ, Hương cống, cử nhân) của các làng quê, phố phường thuộc Hà Nội hiện nay. Qua đó thấy được vị thế của Thăng Long – Hà Nội trong nền giáo dục khoa cử thời phong kiến.
 
Không những thế cuốn sách này còn góp thêm những tư liệu để nghiên cứu về lịch sử giáo dục và khoa cử của Nho học Việt Nam, góp phần làm sáng tỏ thêm những khía cạnh của lịch sử phong kiến Việt Nam đó là sự hưng phát của các triều đại phong kiến mà Nho học được lựa chọn là quốc học. Điều quan trọng và thiết thực hơn nữa đó là từ những nghiên cứu này các nhà quản lý giáo dục, hoạch định chính sách có thể rút ra những bài học kinh nghiệm của quá khứ vào việc đổi mới nền giáo dục, để đào tạo được nguồn nhân lực đủ sức đáp ứng được yêu cầu xây dựng Thủ đô giàu đẹp, hiện đại và văn minh, giữ gìn bản sắc dân tộc và tinh hoa văn hóa Hà Nội trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh sự nghiêp công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
 
 
Hoàng Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)