Nhà thơ Bằng Việt và giới văn nghệ xứ Đoài
Ở cương vị chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, nhà thơ Bằng Việt luôn băn khoăn khi trong giai đoạn I, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến chưa có một công trình tuyển chọn, giới thiệu các tác phẩm cũng như các gương mặt văn nghệ sĩ của xứ Đoài từ trung cận đại đến nay. Ở một vài tác phẩm như “Tuyển thơ Thăng Long - Hà Nội, mười thế kỷ”, “Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI”… dù đã cố gắng mở rộng tiêu chí tuyển chọn nhưng vẫn chưa giúp độc giả hình dung được toàn cảnh của văn học nghệ thuật xứ Đoài từ xưa đến nay.
Với mong muốn đưa văn học nghệ thuật xứ Đoài vào dòng chảy chung của văn học nghệ thuật Thăng Long ngàn năm văn hiến cũng như tri ân với những đóng góp miệt mài của văn nghệ sĩ xứ Đoài trong suốt những năm qua, nhà thơ Bằng Việt đã chủ trì tuyển chọn và giới thiệu “Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội” trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Đây là công trình có ý nghĩa phục vụ các chuyên viên, các nhà nghiên cứu, bạn đọc yêu văn học nghiên cứu, tìm hiểu về văn hóa, văn học nghệ thuật của Thăng Long - Hà Nội đặc biệt là khu vực xứ Đoài. Công trình đặt vấn đề tuyển chọn trên toàn bộ tác phẩm văn xuôi vùng đất xứ Đoài từ trung, cận đại đến nay (gồm tản văn, tạp văn, tùy bút, ký…). Mặc dù đã có một số công trình tuyển tập văn học nghệ thuật Hà Tây đã được xuất bản nhưng mới mang tính chất tập hợp từng giai đoạn hoặc từng thể loại nghệ thuật, không mang tính tổng hợp và hệ thống hóa xuyên suốt các giá trị văn xuôi của xứ Đoài từ xưa đến nay. Kết hợp với “Tuyển tập ký tản văn Thăng Long - Hà Nội” (3 tập) do PGS.TS Nguyễn Đăng Điệp chủ trì đã xuất bản trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn I sẽ tạo thành công trình tuyển chọn hoàn chỉnh, toàn bộ về ký, tản văn của Hà Nội theo địa giới hành chính hiện nay.
Tản văn xứ Đoài trong lòng Hà Nội là một tuyển tập phong phú, đầy đủ nhất về các thể loại văn xuôi cổ, trung và đương đại của xứ Đoài từ thế kỷ X đến thế kỷ XXI. Với tiêu chí tuyển chọn các tác giả có mối liên hệ mật thiết đến xứ Đoài (như sinh ra, lớn lên, làm việc ở xứ Đoài…) ghi nhận những gắn kết qua những tác phẩm thể hiện sự gắn bó về tâm hồn, tình cảm của tác giả đối với xứ Đoài; công trình sẽ đưa độc giả, người nghiên cứu đi trên một dòng chảy xuyên suốt của văn xuôi xứ Đoài. Qua cái nhìn của nhà thơ Bằng Việt - người nghiên cứu về văn học nghệ thuật, trực tiếp tham gia sáng tác và làm các công tác phát triển văn học nghệ thuật, bạn đọc sẽ có được những nhận định tổng quan quá trình phát triển, những đặc trưng cũng như giá trị tiêu biểu nhất của văn xuôi xứ Đoài. Cũng qua những tác phẩm tuyển chọn và giới thiệu bạn đọc sẽ được tiếp xúc với phong tục, tập quán, nếp sống đặc thù, tâm tư tình cảm của con người xứ Đoài. Có lẽ đây cũng là cách nhà thơ Bằng Việt muốn trải lòng mình với vùng đất mà ông có nhiều duyên nợ này. Đây là một công trình đáng mong đợi đối với bạn đọc yêu văn học nghệ thuật.
Lâm Hoàng
Nhà xuất bản Hà Nội