Điểm mới trong tiểu thuyết lãng mạn Thăng Long – Hà Nội
Thời hiện đại theo Giáo sư Phong Lê là bắt đầu từ thập niên đầu tiên của thế kỷ XX, sau khi phong trào Cần vương kết thúc chuyển sang thời kỳ cứu nước bằng con đường duy tân. Đây là thời kỳ tiếp thu và ảnh hưởng của văn hoá phương Tây và sự thay thế chữ Hán và chữ Nôm bằng chữ Quốc ngữ. Sự giao thời giữa cũ và mới, giữa truyền thống và hiện đại thể hiện trên tất cả các phương diện của đời sống văn hoá xã hội nước ta mà Thăng Long – Hà Nội là một trong những đô thị đầu tiên “được” tiếp thu và tiếp biến những xu hướng đó. Chính trong bối cảnh ấy cùng với sự chuyển giao giữa văn học trung đại và văn học hiện đại diễn ra từ cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX đã dẫn đến việc xuất hiện hai khuynh hướng sáng tác là khuynh hướng lãng mạn và khuynh hướng hiện thực. Khuynh hướng lãng mạn đi sâu vào khai thác cái tôi cá nhân đang dần hình thành và nhu cầu giải phóng cá nhân ra khỏi các kìm toả gắt gao của xã hội phong kiến; khuynh hướng hiện thực lại hướng ra đời sống xã hội đầy những bất công, oan khổ mà cất tiếng nói bất bình và tố cáo. Đây chính là hai mảnh đất gieo trồng mang lại kết quả bội thu cho tiểu thuyết và truyện ngắn với sự xuất hiện và tiếp sức từ Hoàng Ngọc Phách, Đặng Trần Phất… đến Khái Hưng, Nhất Linh, Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… Tất cả đều là những cây bút sống, viết và “thâm canh” và sử dụng chất liệu sáng tác là Hà Nội.
Sự khai phá đầu tiên cho khuynh hướng lãng mạn trong tiểu thuyết Thăng Long hiện đại chính là Hoàng Ngọc Phách với tiểu thuyết Tố Tâm. Tác giả khi đó là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội thế hệ đầu tiên nên bối cảnh trong tiểu thuyết cũng là những địa chỉ quen thuộc của Hà Nội. Đây là cuốn tiểu thuyết mở đầu cho tiểu thuyết mới ở Hà Nội và là tác phẩm duy chấn gây được chấn động đáng nhớ trong độc giả thị thành thời đó. Ở Tố Tâm, Hoàng Ngọc Phách đã khai thác diễn biến tâm lý và chiều sâu tâm hồn của nhân vật theo phong cách lãng mạn của văn học phương Tây bằng cách đổi mới cả kết cấu và phương thức miêu tả. Logic của truyện không đi theo lối mòn cũ, mà đi theo dòng hồi ức thành vòng tròn gặp gỡ giữa mở và kết. Còn nội dung của Tố Tâm là diễn biến tâm lý của hai người yêu nhau, khao khát đến với nhau nhưng bị ngăn cản bởi gia đình. Dù kết thúc câu truyện cũng đã được biết trước nhưng niềm hứng thú vẫn được nuôi dưỡng theo nội tâm nhân vât và sự say đắm của hai tâm hồn yêu nhau. Kết thúc của mối tình Tố Tâm – Đạm Thuỷ là một kết thúc bi thảm với cái chết của Tố Tâm và sự “sống mà như chết” của Đạm Thuỷ, cũng chỉ bởi họ đã không cưỡng lại sự sắp đặt, không hề có ý phá đi những cái vòng “kim cô” ràng buộc họ. Dù vậy Tố Tâm cũng làm “dậy sóng” dư luận Hà thành vào những năm 20 của thế kỷ XX, điều mà Cành hoa điểm tuyết của Đặng Trần Phất không làm được dù cũng ra đời cùng thời với Tố Tâm và cũng hướng đến cái buồn, cái khổ, sự “tài hoa bạc mệnh” của người phụ nữ.
Chính sự làm mới nội dung và hình thức của Tố Tâm đã gây nên một tiếng vang trong văn học Việt Nam thời kỳ này và mở toang cánh cửa cho sự ra đời của dòng văn xuôi lãng mạn Việt Nam. Và mười năm sau đó độc giả thủ đô lại đón nhận những “đứa con tinh thần” của khuynh hướng lãng mạn trong văn học với một thương hiệu lớn là Tự lực văn đoàn. Hai cái tên gây ấn tượng độc đáo cho khuynh hướng này là Khái Hưng với Nửa chừng xuân và Nhất Linh với Đoạn tuyệt. Độc giả sẽ thấy trong hai tác phẩm này sự mạnh mẽ, can đảm của nhân vật, điều mà chúng ta không hề tìm thấy trong các nhân vật của Tố Tâm. Đó là một cô Mai vượt lên hoàn cảnh, vượt ra khỏi định kiến khắc nghiệt và những lễ giáo phong kiến cổ hủ để sống và giữ trọn vẹn tình yêu của mình. Đó còn là một cô Loan đã hiếu thảo, chấp nhận “bán mình” để cứu gia đình, thế nhưng cũng đã đủ sức để bật ra khỏi gia đình nhà chồng phong kiến, độc ác, tàn nhẫn, để tìm sự tự do cho mình. Nếu Mai mang tiếng “không chồng mà chửa” thì Loan lại mang tiếng là “người phụ nữ giết chồng”, đó là những “tội” mà theo lễ giáo phong kiến là đáng khinh bỉ, nguyền rủa và bị đẩy xuống tận cùng của xã hội. Nhưng cả hai người phụ nữ không chạy trốn hiện thực mà lựa chọn đối đầu với nó, vượt lên định kiến xã hội để rồi cuối cùng cũng tìm được tình yêu, sự bình yên và thanh thản trong cuộc sống của mình. Cả hai câu chuyện với hai cảnh đời khác nhau nhưng đều tìm đến một điểm chung đó là sự đấu tranh giải phóng cá nhân ra khỏi mọi sự kìm kẹp của lễ giáo và ý thức hệ phong kiến đè nặng lên đời sống tinh thần hàng ngàn năm. Đó chính là cái mới làm lay động tâm hồn của độc giả đương thời khi mà những nhu cầu về quyền tự do, bình đẳng, quyền được yêu thương, tự do hôn nhân luôn bị “vây ráp” bởi những lễ giáo khắc nghiệt.
Có thể nói cái mới của tiểu thuyết lãng mạn trong Bộ Tuyển tiểu thuyết Thăng Long – Hà Nội được khởi đầu bằng những cái tên như thế, và nó còn tiếp tục nữa sau một thời gian nhường chỗ cho văn học cách mạng phục vụ công cuộc đấu tranh giải phóng đất nước của dân tộc ta. Đó cũng chính là “điểm nhấn” thú vị và hấp dẫn trong Tuyển tiểu thuyết Thăng Long tập 2.
Hoàng Tâm
Nhà xuất bản Hà Nội