Đề tài Vương triều Trần – với một lối viết sử vượt qua khỏi giáo điều
Là một vương triều có nhiều cống hiến và được biết đến như một trong những trang sử huy hoàng của dân tộc, vương triều Trần trong lịch sử Việt Nam luôn là một đề tài hấp dẫn không chỉ với các nhà nghiên cứu mà còn là nguồn cảm hứng sáng tác cho lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Nhưng cho đến nay, những công trình nghiên cứu, sáng tác văn học nghệ thuật cũng chỉ mới thể hiện những lát cắt rời rạc, thiếu đầy đủ và hệ thống về triều Trần. Mặc dù qua các thành tựu từ các công trình nghiên cứu và các sáng tác văn học nghệ thuật đem lại cho chúng ta một nhận thức tương đối toàn diện về triều Trần cũng như lịch sử Việt Nam ở thời kỳ này nhưng để có một công trình nghiên cứu, một tác phẩm mà ở đó mang tính tổng hợp các thành tựu nghiên cứu và trình bày vương triều Trần, lịch sử Việt Nam thời Trần trong mối gắn kết với kinh thành Thăng Long thì lại chưa có. Đề tài “Vương triều Trần” của nhóm biên soạn PGS.TS. Vũ Văn Quân ra đời sẽ nhằm thỏa mãn sự thiếu hụt đó.
Để dựng lại bức tranh toàn diện về vương triều Trần, mỗi tác giả đều có cách tiếp cận khác nhau. Theo như bản đề cương chi tiết trình trước hội đồng nghiệm thu ngày 4/6/2014 đề tài Vương triều Trần, nhóm tác giả PGS.TS. Vũ Văn Quân không đi theo cách thông thường trình bày lần lượt các triều đại nhà Trần từ khi mới lập đến suy vong, bởi theo cách làm này thì lại không thể hiện được hết những thành tựu về kinh tế, văn hóa, xã hội, không thể hiện được hết những cống hiến to lớn của một triều đại được biết đến như một triều đại lừng lẫy trong lịch sử của dân tộc. Còn theo cách thể hiện như một chuyên khảo nghiên cứu chuyên sâu về chính trị, kinh tế - văn hóa, xã hội… của triều Trần thì lại khiến hạn định đối tượng độc giả, không mang tính phổ rộng cũng như vượt khỏi mục đích, ý nghĩa của đề tài trong cơ cấu mảng sách lịch sử Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến.
Ở đây nhóm tác giả đã kết hợp cả hai cách để thể hiện, đó cũng là sự phá cách được đánh giá cao. Nói như GS.TSKH. Vũ Minh Giang ở thế kỷ XXI thì lượng thông tin có ý nghĩa chỉ chiếm 20-30%, trong khi đó phương thức truyền tin đóng vai trò quan trọng có tính quyết định đến giá trị lượng thông tin đọng lại với người nghe, người đọc, người xem. Điều đó nhằm khẳng định cách thức thể hiện để sao cho đề tài hướng tới quần chúng rộng rãi, mang tính phổ biến cao, dễ đọc, dễ hiểu và phù hợp với mọi đối tượng. Bằng sự phá cách trong kết cấu lại tạo nên cái khó cho nhóm biên soạn đó là dễ bị trùng lặp nội dung và đây cũng là vấn đề gây nhiều tranh cãi tại hội đồng nghiệm thu.
Từ cách thể hiện, PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ đã đặt niềm tin về cuốn sách “Bên cạnh những luận điểm phân tích sâu sắc, người đọc có thể tiếp cận được những trang sách hấp dẫn theo kiểu “đại tự sự” đậm màu sắc sinh động về những sự biến, nhân vật lịch sử, những hiện tượng văn hóa cùng những giai thoại lịch sử thú vị và đầy ý nghĩa. Công trình này là một cuốn sách về lịch sử nhưng không phải là một cuốn thông sử, càng không phải là chính sử”. Cũng theo PGS.TS. Nguyễn Thừa Hỷ thì với cách thể hiện này sẽ giúp cho người chấp bút có quyền khai phóng trong lối viết với những phong cách đa dạng, tự do, lôi cuốn người đọc, miễn là đặt trên một nền tảng lịch sử trung thực. Từ cách thức thể hiện thì đây sẽ là một cuốn sách thể hiện một lối viết sử không giáo điều áp đặt khô cứng, đa chiều thanh thoát giúp cho người đọc tiếp cận một cách nhẹ nhàng như thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật.
Với cách kết hợp giữa chuyên khảo và lịch đại sẽ gặp phải sự trùng lặp về nội dung, điều này cũng được nhóm biên soạn tính đến khi xây dựng đề cương chi tiết, nhưng với mong muốn đưa đến cho độc giả một cuốn sách lịch sử mà ở đó không phải là những sự kiện cứng nhắc, giáo điều, nó phải nhẹ nhàng, dễ đọc và đi sâu vào tâm tưởng của mỗi người Việt Nam về một triều đại có những trang sử hào hùng trong công cuộc chống giặc ngoại xâm và dựng xây đất nước. Về kết cấu trình bày có thể khi đi đến bản thảo sẽ có sự thay đổi nhưng với một tư duy phá cách trong thể hiện kết cấu và phương thức thực hiện, chắc chắn đề tài Vương triều Trần với các sự kiện chính sử, thiết chế chính trị, thành tựu kinh tế - văn hóa – xã hội sẽ được chuyển tải một cách nhẹ nhàng, uyển chuyển vượt khỏi quy phạm giáo điều của một cuốn sách sử.
Dẫu bằng phương thức thể hiện như thế nào thì mục đích hướng tới của đề tài đó là trình bày toàn diện các mặt xã hội Việt Nam thời Trần từ quá trình thiết lập, tình hình chính trị, đời sống kinh tế, đời sống tư tưởng – văn hóa, sự nghiệp kháng chiến chống giặc ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Hơn hết là ý nghĩa đọng lại trong lòng độc giả khi gấp lại cuốn sách về Vương triều Trần (1226-1400) sẽ thấy được đây là một trong những vương triều có những dấu ấn đặc sắc với những cống hiến nổi bật trên nhiều phương diện: kinh tế, chính trị, văn hóa, tư tưởng. Quân dân nhà Trần đã ba lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông, để lại những bài học kinh nghiệm quý báu trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Đàm Ly
Nhà xuất bản Hà Nội