Bức tranh Vỡ bờ ở “Tuyển tiểu thuyết Thăng Long - Hà Nội” tập 6
Nguyễn Đình Thi là người đa tài. Ông vừa viết văn, làm thơ, viết lý luận phê bình lại kiêm cả soạn kịch và sáng tác nhạc. Thành tựu trên nhiều lĩnh vực có thể khiến ông được độc giả (và thính giả) gọi bằng những danh hiệu khác nhau. Tác phẩm Vỡ bờ của ông ra đời đã nhanh chóng được xem như bộ tiểu thuyết đồ sộ, hoành tráng nhất của văn học ta lúc bấy giờ, không chỉ về dung lượng số trang mà cả về quy mô đề tài. Tất nhiên, cùng với thời gian, phần nào bộ sách đã chứng minh cho một ý kiến của nhà văn Nguyễn Tuân, rằng trong văn học không phải cứ "to tổ bố" là có thể trụ vững, song khách quan mà nói, đến nay bộ sách vẫn còn thu hút người đọc bởi những trang văn đẹp và sức quyến rũ trong tính cách của một số nhân vật...
Vỡ bờ của Nguyễn Đình Thi là tác phẩm có quy mô tương đối lớn của nền văn xuôi Việt Nam hiện đại với trên dưới 50 nhân vật đại biểu cho nhiều tầng lớp người trong xã hội, mỗi nhân vật đều có một tâm tư riêng trước những diễn biến lớn của thời đại và những vấn đề nóng hổi của cuộc sống... Trong cuốn tiểu thuyết ta bắt gặp những thanh niên yêu nước như Khắc, Tư, Hội…, những người phụ nữ từ thôn quê lam lũ đến thành thị xa hoa hết lòng cho kháng chiến như Quyên, Gái, Phượng… Họ đại diện cho những người nông dân, công nhân, trí thức, dân nghèo thành thị giữa những ngày tăm tối của đất nước và trong cơn sục sôi chuyển mình của cả dân tộc. Trong bức tranh xã hội rộng lớn ấy còn có địa chủ, tư sản, tư sản mại bản và bọn tay sai Nhật - Pháp như Nghị Khanh, Huyện Môn, Ích Phong... đại diện cho bộ mặt kẻ thù, tạo ra tình thế tương phản, và làm nên một cái nền tối cho bức tranh... Từ số phận, cuộc đời của tập thể nhân vật ấy, tác phẩm đã nêu lên hàng loạt vấn đề: chiến tranh, cách mạng, vận mệnh dân tộc và kể cả những vấn đề như số phận của tình yêu và sự sáng tạo nghệ thuật trong xã hội cũ, vai trò của người vợ, người mẹ trong gia đình và trong toàn bộ đời sống xã hội Việt Nam... Cuốn tiểu thuyết đồ sộ mang dáng dấp của một bộ tiểu thuyết - sử thi.
Với kết cấu song hành, Vỡ bờ có hai tuyến nội dung lớn đi song song với nhau, đan chéo vào nhau: tuyến các sự kiện chính trị, xã hội, kinh tế và tuyến gia đình, nhân vật. Mặc dù kết cấu có phức tạp bởi một lúc tác giả phải xoay nhiều chiều để làm sao ở mỗi phần, các nhân vật phải được dàn trải đều, các sự kiện nối tiếp nhau, không để trống song tác phẩm Vỡ bờ đạt đến tiêu chí quy mô sử thi khi đã tạo dựng các chủ đề phụ xoay quanh, làm sáng tỏ chủ đề chính: Chiến tranh và cách mạng. Trong Vỡ bờ xung đột chiến tranh đã trở thành trung tâm, đóng vai trò nòng cốt và động lực phát triển của cốt truyện. Lịch sử và các cá nhân, sự kiện, tính cách hoà lẫn với nhau một cách biện chứng. Nếu như ở phần một của tập một là phần đặt vấn đề cho các chủ đề, các sự kiện thì ở tất cả các phần sau của tác phẩm là phần giải quyết vấn đề, nhưng cốt truyện phải phù hợp với sự phát triển của tính cách và có sự tác động qua lại của các tính cách nhằm phục vụ cho chủ đề. Những mâu thuẫn xã hội đã được Nguyễn Đình Thi chuyển hoá thành những xung đột mang tính nghệ thuật, có nghĩa là những xung đột giữa các số phận cá nhân.
Toàn bộ cuốn tiểu thuyết này đã tái hiện bức tranh nhiều chiều của xã hội Việt Nam thời kỳ 1939 - 1945. Nó thể hiện khát vọng của nhà văn muốn vươn tới khái quát một phạm vi rộng lớn từ đô thị cho tới nông thôn, để có thể đạt tới tính chất tổng hợp quá trình vận động của lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc, thông qua sự thăng trầm của những số phận đại diện cho một số tầng lớp xã hội trước biến cố lớn lao của đất nước. Tuy còn một số hạn chế không thể tránh khỏi nhưng bộ tiểu thuyết Vỡ bờ vẫn là thành công của Nguyễn Đình Thi trong thể loại tiểu thuyết có tính chất sử thi. Khép lại trang cuối cùng của bộ tiểu thuyết đồ sộ này, người đọc chợt thấy âm vang những vần thơ của chính Nguyễn Đình Thi trong bài Đất nước viết từ nhiều năm trước đó, tương đồng với âm hưởng sử thi của toàn bộ tác phẩm:
“Súng nổ rung trời giận dữ
Người lên như nước vỡ bờ
Nước Việt Nam từ máu lửa\
Rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Nguyễn Thị Dung
Nhà xuất bản Hà Nội