Cấu trúc đô thị Hà Nội thời Pháp thuộc trong “Hà Nội - Tiểu sử một đô thị”
Cuốn sách là kết quả của những tháng ngày miệt mài tìm kiếm các nguồn tư liệu, thư tịch và thực địa, lục tung các thư viện lưu trữ ở nhiều nước trên thế giới như Úc, Pháp, Nga, Việt Nam. Không những thế ông còn gặp gỡ nhiều học giả, các nhà nghiên cứu trên thế giới về Việt Nam để “hiểu” nhiều hơn về Hà Nội. Dựa vào cơ sở tư liệu phong phú nhiều nguồn, tỉ mỉ và có chọn lọc, khảo chứng, tác giả W.S. Logan đã phục dựng lại một cách thuyết phục quá trình của Thăng Long - Hà Nội ngàn năm tuổi, qua diện mạo vật chất bên ngoài cũng như cái cốt lõi tâm thức bên trong trên một nền tảng lịch sử với những tác nhân chính trị - văn hoá ngoại sinh và nội sinh, một thành phố với đầy những cảnh quan và huyền thoại quyến rũ và cũng mang trong mình nhiều tương phản, nghịch lý đáng suy ngẫm. Nhưng có lẽ sự thay đổi đậm nét và rõ nhất đó là khi Hà Nội được coi là thủ phủ của xứ Đông Pháp.
Bắt đầu từ khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Thăng Long năm 1010 đến khi thực dân Pháp xâm lược nước ta cuối thế kỷ XIX thì văn hoá Thăng Long – Hà Nội chịu ảnh hưởng của văn hoá Trung Hoa qua một thời gian dài của lịch sử các triều đại phong kiến. Sự pha tạp của văn hoá Hoa - Việt thể hiện trên nhiều phương diện của đời sống kinh kỳ. Do đó khi người Pháp xâm lược nước ta thì mang vào một luồng “văn hoá” mới và tiến hành “cấy ghép” trên cơ thể vốn đã có sự lai tạo và cấy ghép trước đó. Tác giả sự phân tích kỹ lưỡng, và tương đối toàn diện những dấu ấn của văn hoá Trung Hoa trên bề mặt kiến trúc đô thị Thăng Long mà chủ yếu là ảnh hưởng của Nho, Phật, Đạo trong các đình, đền, chùa như: Văn Miếu - Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, đền Ngọc Sơn… Sự giao thoa của các loại hình tôn giáo và tín ngưỡng văn hoá bản địa là cơ sở để khi thực dân Pháp tiến hành cấy ghép sự phát triển đô thị của riêng mình bằng cách phá huỷ hoặc làm thay đổi diện mạo cũ của nó. Đó là sự hình thành riêng biệt các toà nhà, công trình, khu phố của người Pháp; hàng trăm các công trình tôn giáo thời kỳ phong kiến như các đình, đền, chùa, nằm giấu mình dưới những lối đi và những cụm công trình của người Pháp.

Cuốn Hà Nội tiểu sử một đô thị. Ảnh: Hoàng Tâm
Sự thay đổi và cải tạo diện mạo đô thị Thăng Long của người Pháp là hướng đến mục đích xây dựng Hà Nội thành một thủ phủ cho xứ Đông Pháp. Vì lẽ đó thực dân Pháp đã tìm mọi cách để thuần phục môi trường địa phương và cư dân Hà Nội để tạo nên mộ đô thị châu Âu trong một khung cảnh xa lạ và khác biệt. Người Pháp gọi đó là “khai hoá văn minh” cho người Việt. Tuy nhiên thực chất của “cuộc khai hoá” đó đã vấp phải sự tranh cãi và sự phản kháng của người Việt Nam. Do đó người Pháp lại chuyển sang việc cải thiện đô thị Hà Nội một cách tinh vi nhằm thể hiện tính ưu trội của chính quyền thuộc địa và các kiến trúc sư, nhà quy hoạch đô thị của họ. Vì vậy nên Hà Nội đã gần như thay đổi diện mạo dưới thời Pháp. Thể hiện đầu tiên và rõ nhất đó là sự thay đổi mô hình của Hoàng thành Thăng Long để xây dựng các đồn bốt quân sự của người Pháp, họ muốn coi đó là sự thể hiện uy lực của người cầm quyền, đồng thời muốn xoá bỏ biểu tượng mà người Pháp cho là “xấu” của chế độ quân chủ Việt Nam trước kia. Việc phá huỷ nó đã kéo theo sự phá huỷ những cảnh quan đô thị có ý nghĩa khác của Việt Nam, và sự thay thế vào đấy là những công trình và những di tích mới như: Nhà thờ Lớn, Toà thị chính, Trường Viễn Đông Bác Cổ, các con phố Tây… họ coi đó là sự “ghi dấu và tán dương” vai trò của quân Pháp. Công cuộc “khai hoá” của người Pháp đã tạo nên một sự đối lập trong đời sống xã hội Hà Nội khi đó. Nếu đời sống ngọt ngào trong các xứ thuộc địa là một cái gì đó của một huyền thoại đối với người Pháp thì những điều kiện sống lại càng nhọc nhằn hơn đối với những người Việt Nam. Christian Pédélahore – tác giả của bộ sách “Những thành phố tạo nên đô thị Hà Nội” đã chỉ sự song song tồn tại giữa hai tầng lớp xã hội và hai môi trường sống khác nhau trong lòng Hà Nội như sau: “Ở phía sân trước là không gian sống rộng rãi, sáng sủa, tiện nghi và hợp vệ sinh của những người thực dân Pháp. Trong sân sau là một không gian chật hẹp, những chỗ tối tăm và bẩn thỉu dành cho những người bản xứ”.
Như vậy sự khai hoá của người Pháp đã tạo nên sự đứt gãy gay gắt trong lịch sử Hà Nội, đó là khi trật tự xã hội trước đây đột ngột chuyển biến và khi những nét cảnh quan đô thị đã chứng kiến sự xuống cấp của những giá trị một trường “truyền thống”. Trên nhiều phương diện khác nhau, những yếu tố hiện đại được đưa vào thông qua chủ nghĩa thực dân đã thể hiện một sự cắt đứt hoàn toàn với xã hội truyền thống. Hà Nội đã phản ánh trên thực địa cả hai khía cạnh tốt nhất và xấu nhất của chủ nghĩa thực dân. Đó là một thứ chủ nghĩa thực dân và một thành phố thuộc địa bị áp đặt bằng vũ lực, và khi trở thành biểu tượng của sự áp bức, cái thành phố đó lại là nơi tập hợp những phong trào dân tộc chủ nghĩa, là nơi ảnh hưởng và lan toả của văn hoá phương Tây tới tất cả các tụ điểm cư dân ở thành thị và nông thôn Hà Nội. Đó còn là nơi gặp gỡ và hoà trộn của nền văn hoá bản địa với những nền văn hoá du nhập khác, tạo nên một “tầng lớp trí thức mới” là nguồn để khơi dậy sự phản kháng của quần chúng, tạo nên sức mạnh của một cuộc cách mạng ở Việt Nam.
Hoàng Minh
Nhà xuất bản Hà Nội