Tái hiện bức tranh toàn cảnh về phong trào Thơ mới trong tiến trình lịch sử văn học Việt Nam
Phong trào Thơ mới ra đời từ năm 1932 là kết quả của sự giao thoa, hội nhập giữa nền thơ ca truyền thống dân tộc và thơ ca phương Tây. Tuy chỉ diễn ra trong khoảng hơn 10 năm nhưng phong trào Thơ mới được nhìn nhận như là một cuộc cách mạng, tạo ra “một thời đại trong thi ca” với sự ra đời của những tác giả và tác phẩm tiêu biểu, để lại nhiều thành tựu lớn đối với sự phát triển của nền thơ ca hiện đại Việt Nam. Vị trí và giá trị của thơ mới trong lịch sử văn học Việt Nam thế kỷ XX đã được khẳng định và công nhận. Nghiên cứu, tìm hiểu về phong trào Thơ mới – một trào lưu thơ ca quan trọng trong tiến trình thơ ca Việt Nam hiện đại đã thu hút sự quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu, phê bình. Cho đến nay, đã có nhiều công trình, bài viết nghiên cứu, đánh giá về phong trào Thơ mới (1932-1945). Tuy nhiên, để xây dựng được một bộ biên niên sử về phong trào Thơ mới thì chưa có công trình nghiên cứu nào. Vì thế, trong cơ cấu đề tài của mảng sách Văn học nghệ thuật của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II, Nhà xuất bản Hà Nội chủ trương biên soạn cuốn Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945). Đề cương cuốn sách đã được Hội đồng nghiệm thu thông qua, đánh giá cao giá trị và ý nghĩa của đề tài, khẳng định đề tài được triển khai là một việc làm cần thiết, góp phần bổ khuyết vào kho tư liệu nghiên cứu về văn học nghệ thuật của Thăng Long – Hà Nội nghìn năm. Cuốn sách sẽ tái hiện một bức tranh toàn cảnh, hệ thống các sự kiện có tính chất lịch sử, chính xác liên quan đến việc công bố, phát hành các tác phẩm, các bài viết về tác giả, tác phẩm Thơ mới bằng con mắt, cách dẫn dắt, sắp xếp khoa học, logic của một đội ngũ chuyên gia nghiên cứu giàu kinh nghiệm, tâm huyết trong nghiên cứu, phê bình văn học.
“Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)” tập trung khảo sát một cách hệ thống, căn bản, triệt để và toàn diện các vấn đề liên quan đến phong trào Thơ mới Hà Nội, lấy địa bàn Hà Nội làm tiêu chuẩn về mặt phạm vi tư liệu. Với tiêu chí tuyển chọn, sắp xếp các nội dung dựa trên vai trò, vị trí và mức độ liên quan đến phong trào Thơ mới diễn ra ở Hà Nội, bao gồm toàn bộ các vấn đề tác gia, tác phẩm, sự kiện thành lập văn đoàn, nhóm phái; việc xuất hiện các cơ quan ngôn luận, báo chí, xuất bản tác phẩm thơ và sách chuyên khảo, chuyên luận; các sự kiện mở cuộc thi, tổng kết, trao giải; các lời tựa, bạt, tiểu luận nghiên cứu, phê bình, giới thiệu, đọc điểm; các cuộc trao đổi, bình luận, tranh luận, phê phán… Tuỳ theo từng vấn đề cụ thể sẽ có sự tóm tắt, mô tả, phân tích kết hợp trích dẫn với nhiều mức độ khác nhau…
Dung lượng dự kiến khoảng 800 trang khổ 16x24cm, trong đó có 10 trang hình ảnh, bản đồ, biểu bảng minh hoạ. Với bố cục sắp xếp các mục tư liệu theo trình tự thời gian, trong cuốn sách ngoài phần Tổng luận – Lời nói đầu và phần Phụ lục (niên biểu Thơ mới năm 1946) sẽ trình bày nội dung chương dựa theo dung lượng niên biểu sự kiện mỗi năm tương đương với một chương (gồm 14 chương). Niên biểu sự kiện mỗi năm sẽ được trình bày, mô tả theo quy cách thứ tự các ngày trong tháng, các tháng trong năm và thứ tự các năm nối tiếp nhau. Đối với tài liệu được xuất bản trong năm nhưng không rõ tháng sẽ đăng ký vào mục mở đầu của năm, tính chung cho năm đó. Mỗi mục niên biểu sẽ có phân tích, dẫn giải, trích dẫn văn bản thơ, nghiên cứu, phê bình, tranh luận và trong một số trường hợp sẽ có thêm chú thích để người đọc dễ hiểu.
Sự xuất hiện của phong trào Thơ mới (1932-1945) đã thực sự tạo nên một cuộc cách mạng trong lĩnh vực thơ ca, đóng góp một vai trò quan trọng trong quá trình hiện đại hóa văn học Việt Nam nửa đầu thế kỷ XX. Việc phụng dựng diện mạo của phong trào Thơ mới với không gian nghiên cứu là địa bàn Hà Nội, tập trung nghiên cứu chủ yếu về Hà Nội, gắn với Thăng Long – Hà Nội qua các tư liệu được sắp xếp theo trình tự thời gian là một đề tài có ý nghĩa khoa học và tính thực tiễn. Đề tài “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)” sẽ là một bộ tài liệu công cụ, tư liệu có giá trị cho các nhà nghiên cứu và đông đảo bạn đọc quan tâm nghiên cứu lĩnh vực này. Hy vọng với những nội dung và những giá trị tư liệu quý về phong trào Thơ mới, cuốn sách “Biên niên sử phong trào Thơ mới Hà Nội (1932-1945)” do PGS.TS. Nguyễn Hữu Sơn chủ biên được biên soạn, xuất bản đáp ứng sự kỳ vọng của Nhà xuất bản, Hội đồng Tư vấn khoa học, Hội đồng nghiệm thu, giới chuyên môn và đông đảo bạn đọc sẽ sớm được ra mắt độc giả.
Trần Quang
Nhà xuất bản Hà Nội