Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 24/06/2014 03:00
Truyện cổ tích trong Truyện kể dân gian Hà Nội

Những bài học đạo đức đề cao nhân nghĩa, ngợi ca những phẩm chất tốt đẹp của con người hay sự tố cáo, phê phán cái ác, cái xấu trong xã hội, lý giải về sự hình thành, phát triển của một địa danh, một vùng đất là nội dung chủ yếu được thể hiện trong hầu hết các câu chuyện dân gian và những truyện cổ tích được lưu truyền từ ngàn đời nay và ở Kinh đô cũng thế. Và xin mượn những lời thơ của nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ để bắt đầu cho những suy nghĩ của tôi về truyện cổ tích Thăng Long - Hà Nội, một bộ phận gắn bó khăng khít, mật thiết, một đơn vị cấu thành tổng thể truyện dân gian Việt Nam:

 

Tôi yêu chuyện cổ nước tôi
Vừa nhân hậu lại tuyệt vời sâu xa
Thương người rồi mới thương ta
Yêu nhau dù mấy cách xa cũng tìm
 
Là đầu não kinh tế, là trung tâm kinh tế, chính trị, đồng thời cũng là trung tâm giao thương kinh tế và giao lưu văn hóa của cả nước, nên ngoài nguồn truyện dân gian sở tại, bản địa, Hà Nội còn có một nguồn truyện dân gian do giao lưu, hội nhập từ tứ xứ. Bởi vậy, phần truyện cổ tích trong Truyện kể dân gian Hà Nội được chia làm hai mảng: Truyện cổ tích cổ truyền, được lưu truyền từ lâu trong dân gian qua nhiều thế hệ, mang tính phổ biến toàn dân như Cây tre trăm mắt, Truyện dưa hấu, Sự tích trầu cau, Đồng tiên Vạn Lịch… ; và truyện cổ tích được ghi trong các tác phẩm Hán - Nôm từ thời Lý - Trần đến đầu thời Nguyễn, là các truyện cổ tích do các nhà văn ghi chép, chỉnh lý và cố định hóa bằng ngôn ngữ viết. Đây là hệ cổ tích riêng của Hà Nội, phản ánh nhân vật và sự việc diễn ra trên đất Thăng Long - Hà Nội.

Dù là truyện được lưu truyền hay truyện có gốc tích ở Hà Nội, những truyện cổ tích đều hướng đến những triết lý nhân sinh sâu sắc, những bài học sống giản dị mà có sức sống lâu bền.

Khi đọc các truyện như Ai mua hành tôi, Cây tre trăm mắt, Sự tích con dã tràng,… chúng ta đều có thái độ bênh vực những con người tốt bụng theo một lẽ tự nhiên, một điều bình thường của quy luật cảm xúc là anh nông dân (Ai mua hành tôi), thằng ở (Cây tre trăm mắt), Dã Tràng (Sự tích con dã tràng) và căm ghét, lên án những nhân vật xấu, độc ác là đám vua quan tàn nhẫn, tên địa chủ tham lam và mụ vợ Dã Tràng bội nghĩa. Như vậy, truyện cổ tích chính là môi trường đắc địa để những bài học luân lý, đạo đức đến với mọi người một cách tự nhiên mà sâu sắc.


Cuốn "Truyện kể dân gian Hà Nội"

Một trong những triết lý, vấn đề đạo đức thường được đề cập trong truyện cổ tích là “ở hiền gặp lành”. Qua sự đổi đời, sự biến đổi trong cuộc đời các nhân vật, tác giả dân gian đề cao và ca ngợi những người hiền lành, sự thương yêu đùm bọc giữa con người với con người (Ai mua hành tôi, Đồng tiền Vạn Lịch, Hai anh em nhà trạng). Chính vì thế mà những vấn đề đạo đức, triết lý sống mà truyện cổ tích phản ánh luôn luôn gần gũi, sâu sắc, dễ đi vào tâm hồn con người. Nó dạy cho con người biết sống có đạo lý, chan hoà và giàu tình yêu thương, bao dung đùm bọc đúng như lời khẳng định của nhà nghiên cứu văn học dân gian Nga A.M. Nôvicôva: “Truyện cổ tích dạy con người sống, gây tinh thần lạc quan, khẳng định niềm tin vào sự tất thắng của điều thiện và lẽ công bằng. Đằng sau tấm màn kỳ ảo của cốt truyện và trí tưởng tượng cổ tích, có dấu ấn một mối quan hệ có thực của con người. Những tư tưởng nhân đạo chủ nghĩa và sự nhiệt tình tràn trề sức sống đã tạo ra cho truyện cổ tích sức thuyết phục gây xúc động mạnh mẽ đối với thính giả”.

Trong phần cổ tích về Hà Nội, đặc điểm nổi bật chính là sự cắt nghĩa về việc ra đời, xuất hiện của những địa danh (Sự tích núi Ghẹ và núi Đùng), những sự kiện (việc lũ lụt vào tháng sau, tháng bảy ở ven sông Đà qua truyện Bà Tăng Má và đàn con rắn), đặc điểm về địa chất, thủy văn (Sự tích hạt cơm rơi, Giếng con lợn, Sự tích gò Con cá) của một vùng đất hay nguồn gốc ra đời của một loại cỏ cây(Sự tích cỏ ấu ba gai), một thắng cảnh của Thủ đô (Một số thắng cảnh của Hà Nội trước đây, Tám cảnh hồ Tây)… Bên cạnh đó, người đọc cũng qua cổ tích để lý giải những đúc kết của cha ông về đặc điểm một vùng đất như vì sao lại coi Mỗ, La, Canh, Cót là tứ danh hương (Vùng Mọc, Hương Canh,…), hay vì sao ca dao có câu Bơi Đăm, rước Giá, hội Thầy/Vui thì vui vậy chẳng tầy Giã La (Sự tích lễ hội Giã La). Đằng sau những lý giải vừa giản đơn vừa sâu sắc ấy bao giờ ta cũng thấy cái nhìn nhân văn, lòng yêu mến, tự hào của người Kinh kỳ dành cho mảnh đất quê hương của mình, mảnh đất văn hiến với những địa danh, danh nhân đầy tự hào trải qua quá trình gây dựng, phát triển từ bao đời.

Đáng chú ý trong mảng cổ tích “bản thổ” Hà Nội chính là nhóm truyện về đề tài tình yêu đôi lứa. Hầu hết những câu chuyện là tiếng nói mạnh mẽ, dũng cảm của những đôi trai gái đấu tranh cho tự do yêu đương (Đền Bích Câu, Câu chuyện tình ở Thanh Trì). Người đọc thấy ở đó giá trị nhân bản sâu sắc bởi tất cả đều xuất phát từ tình yêu, lòng trân trọng con người.
Truyện cổ tích Thăng Long - Hà Nội vừa mang nét phổ quát vừa có những yếu tố đặc thù so với truyện cổ dân gian nói chung. Nó vừa là những triết lý nhân sinh đầy nhân ái, vừa nêu bật những giá trị văn hóa, lịch sử của con người và mảnh đất nghìn năm văn vật, dẫn dắt người đọc đến với Thăng Long - Hà Nội bằng những sự tích, sự kiện giúp chúng ta thêm hiểu, thêm yêu mảnh đất và con người nơi đây. Đó cũng là cái gốc lâu bền để những truyện cổ tích trong Truyện kể dân gian Hà Nội sống với Thủ đô hôm nay và cả mai sau.

 


Trà Giang

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)