Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ ba, 24/06/2014 03:05
Thăng Long – Hà Nội qua con mắt người nước ngoài

 

Nằm trong mảng sách Tư liệu tổng hợp của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến, cuốn sách Tuyển tập t­ư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội:Tư­ liệu ph­ương Tây do PGS. TS. Nguyễn Thừa Hỷ chủ trì là tác phẩm đầu tiên mà một khối lượng đáng kể tư liệu, những ghi chép của các học giả phương Tây viết về Thăng Long – Hà Nội được tuyển chọn. Đây là nguồn tài liệu rất có giá trị, mang tính khách quan phản ánh về đời sống chính trị, kinh tế, văn hoá của Thăng Long - Hà Nội và là nguồn bổ sung vô cùng quý giá cho sự thiếu hụt của t­ư liệu trong nư­ớc.

 

Với thế “rồng cuộn hổ ngồi” Thăng Long - Hà Nội từ trong lịch sử đến hiện tại luôn là điểm hấp dẫn du khách nư­ớc ngoài đến đây với nhiều mục đích khác nhau, nhất là từ thế kỷ XVII trở đi và họ đã có không ít những ghi chép về Thăng Long - Hà Nội trên nhiều phư­ơng diện. Tuyển tập tư liệu phương Tây là các tài liệu đã xuất bản bằng tiếng phương Tây (tuyệt đại đa phần là tiếng Pháp) có một số cuốn sách viết bằng tiếng Anh nhưng tác giả không phải là người Âu (chiếm tỷ lệ nhỏ). Những tư liệu này được tuyển chọn một cách có nguyên tắc, tuyệt đại đa số là những tư liệu gốc, nguyên bản, chưa được dịch hoặc xuất bản. Điều này làm nên tính mới mẻ và sự hấp dẫn của ấn phẩm, mặc dù những tư liệu đó đã được công bố cách đây nhiều thế kỷ.

Trước một khối lượng tư liệu đa dạng, tương đối đồ sộ có thể khai thác từ các kho lưu trữ, thư viện trong nước và phương Tây các tác giả đã tự xác định rõ mục tiêu và yêu cầu đặt ra đối với nội dung công việc. Khung thời gian được lựa chọn là hơn ba thế kỷ từ đầu thế kỷ XVII đến 1945. Không gian khảo sát tập trung vào khu nhân lõi của nó, Thăng Long - Kẻ Chợ và Hà Nội 36 phố phường, nhưng trong những sự kiện và thông tin liên quan đến Thăng Long - Hà Nội, có thể mở rộng ra một không gian rộng lớn hơn của xứ Đàng Ngoài và sau đó là xứ Bắc Kỳ. Những lĩnh vực được đề cập đến là toàn diện từ chính trị, kinh tế đến xã hội, văn hóa.
 
Cuốn "Tuyển tập t­ư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội:Tư­ liệu ph­ương Tây"

Với gần 1.200 trang in, cuốn sách đã cuốn hút người đọc ngay từ những trang mở đầu do chính chủ biên viết. Bởi bài mở đầu giới thiệu nguồn thư tịch này, giúp người đọc cũng như người sử dụng nguồn tài liệu nắm rõ được nội dung và giá trị của từng loại tài liệu trong nguồn tài liệu phương Tây viết về Thăng Long - Hà Nội theo tiến trình lịch sử.

Ở phần I. Tư liệu Thăng Long - Hà Nội (từ thế kỷ XVII đến 1882), gồm 16 bài. Đầu tiên là bài “Bản tường trình về xứ Đàng Ngoài của cha Baladinotti” được dịch theo bản tiếng Pháp: “La relation sur le Tonkin du P. Buldinotti. BEFEO. 1903. tr. 71 -78, được viết từ Ma Cao, ngày 12-11-1626. Kết thúc phần này là bài “Những ghi chép về xứ Bắc kỳ của đức ông De la Bissachère”.

Sang phần II. Tư liệu Thăng Long - Hà Nội (từ 1883 đến 1945), gồm 24 bài. Đây là thời kỳ Việt Nam bị thực dân Pháp chiếm đóng đặt ách thống trị đô hộ cho đến ngày Cách mạng tháng Tám thành công, nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời.

Mặc dù kết cấu được sắp xếp phân kỳ theo tiến trình thời gian, nhưng bạn đọc cũng dễ nhận thấy sau các phần viết có tính chất chuyên sâu mô tả các vấn đề có liên quan đến mảnh đất con người Hà Nội như cảnh quan, thiết chế chính trị, dân sự, tôn giáo, đời sống kinh tế... từ mục 28 trở đi, sách giới thiệu các bài viết mô tả các thắng cảnh ở Hà Nội, về các địa danh lịch sử, công trình kiến trúc, những vùng ngoại ô Hà Nội thời thuộc địa. 

Phần phụ lục ở đây là những nguyên bản của tài liệu tạo nên độ tin cậy cũng như tính khoa học của công trình biên soạn, dịch thuật này.

Ngoài phần dịch thuật, công trình còn có phần Thư mục mục tham khảo (Tư liệu phương Tây) để giới thiệu thêm nguồn tài liệu mà trong công trình chưa có điều kiện dịch.

Qua các bài dịch ở đây đã phản ánh được một Hà Nội trong suốt quá trình lịch sử của nó trải qua nhiều thế kỷ, với những thay đổi nhiều chiều, từ đời sống văn hóa tinh thần, con người đến những thay đổi về chính trị khi có người phương Tây đặt chân vào mảnh đất này. Cái hay và đặc sắc của tác phẩm ở chỗ toàn bộ sự thay đổi đó được nhìn nhận, đánh giá từ con mắt của người nước ngoài. Tuy dưới các bút pháp khác nhau, thái độ khác nhau khi thì kiêu ngạo miệt thị, lúc lại tỏ ra thân thiện tâng bốc tùy vào mục đích của mỗi lúc, mỗi người, nhưng cuối cùng các tác giả đều không thể phủ nhận vị trí quan trọng của mỗi Thăng Long – Hà Nội dù là dưới thể chế chính trị nào.

Để có một cái nhìn toàn diện và khách quan hơn về Thăng Long – Hà Nội trong quá khứ thì việc tìm hiểu tư liệu, dịch thuật, giới thiệu và xuất bản những tài liệu ghi chép về Thăng Long - Hà Nội của người nước ngoài đương thời có ý nghĩa rất lớn, góp phần giúp độc giả và các nhà nghiên cứu hiểu hơn về lịch sử hình thành, phát triển của thành thị rồi thủ đô Thăng Long - Hà Nội 1000 năm tuổi với biết bao biến đổi có tính khách quan và đa chiều. Dù nguồn tư liệu bản địa có phong phú cũng rất cần phải được bổ sung những ghi chép, phản ánh của nhiều nguồn tư liệu khách quan khác mà chúng ta có thể phát hiện và cần phải khai thác. Đặc biệt ý nghĩa hơn khi cuốn sách được thực hiện bởi một nhóm các nhà chuyên môn có năng lực ngôn ngữ và tâm huyết với nghề. Chủ nhiệm đề tài, PGS.TS Nguyễn Thừa Hỷ - trong suốt mấy chục năm qua đã chuyên canh, thâm canh trên mảnh đất tư liệu về Thăng Long - Hà Nội và đã đặt dấu ấn trong sự nghiệp khoa học của mình với nhiều công trình nghiên cứu chuyên sâu, nổi tiếng về Thăng Long thế kỷ XVI-XVIII được giới nghiên cứu trong nước, quốc tế tham khảo, ngưỡng mộ. Vậy nên khi cuốn sách ra đời trong dịp kỷ niệm Đại lễ Thăng Long ngàn năm văn hiến cho đến nay luôn được đông đảo bạn đọc và các nhà nghiên cứu đánh giá cao và tìm đọc.

Đàm Ly

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)