Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 03/07/2014 11:05
Xu hướng dân gian hoá lịch sử trong Truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội trung đại

Văn học viết về Kẻ Chợ, vùng đất mà mỗi lần nhắc đến chúng ta đều thấy được vị trí quan trọng của nó: “Thứ nhất kinh kỳ, thứ nhì phố Hiến” vốn đã xuất hiện từ rất lâu trong lịch sử. Tuy nhiên, có thể nói, kể từ ngày vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La, cũng là lúc bắt đầu một nền văn học Thăng Long với đúng nghĩa của nó. Hội đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, văn học Thăng Long phát triển rực rỡ trong suốt chiều dài ngàn năm. Để giới thiệu với bạn đọc hành trình suốt một ngàn năm qua, nhà văn Lê Minh Khuê cùng các cộng sự đã tuyển chọn và cho ra mắt bộ Tuyển truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội. Đâylà sự hội tụ của những truyện ngắn xuất sắc do các nhà văn ở mọi miền đất nước viết về Thăng Long - Hà Nội.

Sự phát triển của văn học Thăng Long – Hà Nội được khởi mạch từ thời kỳ trung đại, mốc thời gian cụ thể của thời kỳ này thì các nhà nghiên cứu cũng chưa thật sự có một ý kiến thống nhất, tuy nhiên nó được xác định tương đối là từ khi vua Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư về Đại La. Sự kiện này cùng với việc xây dựng Thăng Long thành kinh đô “bền vững muôn đời” của nước Việt đã đặt cơ sở cho sự phát triển của “xu hướng lịch sử” trong văn học nói chung và trong truyện ngắn nói riêng. Nói là truyện ngắn nhưng thực ra đó là ngôn từ hiện đại về sau này. Thời kỳ này, những truyện ngắn thường giống những mẩu chuyện hay những ghi chép tản mạn về các nhân vật. Các câu chuyện đó không coi sáng tạo nghệ thuật là trung tâm mà nhấn mạnh chức năng xã hội, chức năng giáo huấn. Chính điều đó tạo nên sự “nguyên hợp”, “văn - sử - triết” bất phân trong các tác phẩm văn học. Tính chất này thể hiện rõ là ở sự giao thoa và kết hợp giữa xu hướng sáng tác thiên về lịch sử và xu hướng dân gian. Hai xu hướng cơ bản này tạo nên nội dung của truyện ngắn trung đại, tuy nhiên nó lại không hoàn toàn tách biệt nhau mà lại kết hợp với nhau. Xu hướng lịch sử hướng đến sưu tầm, ghi chép về nhân vật lịch sử tuy nhiên truyện lịch sử lại thường được dân gian hoá, được tô thêm màu sắc huyền thoại để nó trở nên hấp dẫn hơn. Ngược lại, những truyện dân gian lại được lịch sử hoá để có vẻ “thật” và “người thực việc thực” hơn. Chính sự giao kết giữa hai xu hướng đó đã làm cho các câu chuyện, các nhân vật trong truyện ngắn trung đại vừa hiện thực, vừa dân gian, vừa “thần thánh hoá”.

Trở lại với truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội trung đại chúng ta sẽ thấy được những yếu tố trên trong mỗi câu chuyện. Ví như truyện ngắn đầu tiên và sớm nhất về Thăng Long – Hà Nội là câu chuyện về vị thần được tôn là thành hoàng làng của Thăng Long là thần Tô Lịch. Nhân vật này đã được Lý Tế Xuyên mô tả lại trong tác phẩm Việt điện u linh. Đó là vị thần họ Tô tên Lịch, đời Tấn được phong làm hiếu liêm (hiếu thảo và liêm khiết), đời Đường được phong làm Thành hoàng. Đến khi vua Lý Thái Tổ dời đô về Đại La, được tấn phong làm Quốc đô Thăng Long thành hoàng đại vương, Ông đã dương trợ - âm phù cho Thăng Long được tồn tại vững bền nên đời Trần được sắc phong thêm các chữ: Bảo Quốc, Trấn Linh, Định Bang, và trờ thành vị thần phù trợ cho Thăng Long ngàn đời nay. Câu chuyện cho chúng ta thấy được lịch sử cũng như nguồn gốc của vị thần được tôn thờ là Thành hoàng ở Thăng Long ngàn năm nay.

Theo xu hướng lịch sử đó, những nhân vật có công gìn giữ và bảo vệ mảnh đất “thần kinh” và nước Việt trong lịch sử cũng được văn học ca ngợi và hư cấu thành những vị thần có uy thế, sức mạnh phi thường. Đó là một ông “Vương họ Lý, tên Ông Trọng, người Từ Liêm, thân dài hai trượng, ba thước, có khí chất thẳng thắn, khác thường” (Tuyển truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội, tập 1, trang 23); đó còn làmột ông “họ Lý tên Thường Kiệt, người phường Thái Hoà, ở bên phải kinh thành Thăng Long… là người nhiều mưu lược, có tài tướng suý, từ lúc ít tuổi đã lừng danh và phong tư tuấn nhãn, được sung vào làm chức Hoàng môn chi hầu, đến đời Lý Thái Tông được phong làm nội thị sảnh cung cẩn, mọi việc làm đều tuân theo lễ pháp, không sai sót chút gì…” (Sách đã dẫn trang 25); hay là một “anh hùng nhỏ tuổi” Phù Đổng Thiên Vương có công đánh tan giặc Ân xâm lược thời Hùng Vương, trở thành một trong “tứ bất tử” của dân tộc Việt Nam… Những nhân vật, thánh nhân đó đã trở thành những vị anh hùng của dân tộc Việt Nam, được nhân dân tôn thờ, kính trọng, được nhiều địa phương trong cả nước thờ tự cũng như là tôn thờ làm Thành hoàng làng.

Một kiểu nhân vật nữa cũng được xây dựng nhiều trong truyện ngắn Thăng Long –Hà Nội trung đại đó là các phật tử của Phật giáo, họ là những con người đi theo giáo lý nhà Phật, lấy sự ngộ đạo làm con đường tu thân, để giữ cho cái “tâm” được thanh tịnh, trong sáng. Họ là những những vị “chân tu”, có đức cao, có tâm sáng, thấu được lẽ trời, đạo người và những triết lý của cuộc sống. Vì vậy họ lấy con đường truyền đạo và giao giảng phật pháp làm con đường tu hành của mình. Đó là Quốc sư Thông Biện, Thiền Sư Mãn Giác, Thiền sư Vạn Hạnh, thiền sư Đạo Hạnh, Thiền sư Viên Chiếu, Tăng Thống Huệ Sinh, thiền sư Huyền Quang, Ni sư Diệu Nhân…

Có thể nói, những tác phẩm truyện ngắn trung đại của Thăng Long – Hà Nội phần nhiều là những tác phẩm mang chức năng xã hội, lễ nghi tôn giáo, mang đậm dấu ấn huyền thoại dân gian. Tuy nhiên tất cả đều hướng đến việc ghi lại những sự kiện, sự việc xảy ra trên mảnh đất thần kinh cùng những anh hùng, thánh nhân đã để lại dấu ấn trên mảnh đất này. Chúng ta có thể tìm thấy ở đây những mẩu chuyện về các vị thần, anh hùng dân tộc, các vị vua nhân từ, tài đức hay những các tín đồ tôn giáo xuất chúng và cả những người dân bình dị đã sinh ra, lớn lên và cống hiến cả cuộc đời cho mảnh đất này. Đó chính là một trong những điều mà chủ biên Tuyển truyện ngắn Thăng Long – Hà Nội cùng các cộng sự muốn gửi gắm đến độc giả qua công trình này.


Hoàng Minh

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)