Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ năm, 03/07/2014 11:14
Văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội qua văn học hiện đại
Hà Nội là một đô thị có lịch sử lâu đời, giàu có về truyền thống, giàu có về sản vật, và đặc biệt là giàu có về bản sắc văn hóa. Và văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội thực sự là một nét son của nơi đã và đang “lắng hồn núi sông ngàn năm”. Những nhà văn hiện đại như Ngô Tất Tố, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Tô Hoài, Tản Đà, Vũ Ngọc Phan, Đinh Hùng, Ngọc Giao, Băng Sơn, Trần Quốc Vượng, Trần Ngọc Thêm… đều viết về văn hóa ẩm thực đất Kinh kỳ với niềm tự hào, tự tôn, lời ngợi ca thú ẩm thực tinh tế và sự khéo léo, tài hoa của người Hà Nội qua việc chế biến các món ăn. Hoặc sinh ra và lớn lên ở Hà Nội hoặc có thể ở nơi khác nhưng các nhà văn, các nhà nghiên cứu đều có một tình yêu tha thiết, mặn nồng với Thăng Long xưa và Hà Nội ngày nay. Hơn nữa, họ đều là những nhà văn hóa thực sự với tầm tri thức rộng và sâu, đều mang nặng tính tự tôn dân tộc… Những yếu tố ấy là lý do khiến họ luôn day dứt, trăn trở suy nghĩ về nền văn hóa dân tộc. Trong “Tuyển tập tác phẩm về văn hóa ẩm thực Thăng Long - Hà Nội” - cuốn sách nằm trong Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến - phần tập hợp tác phẩm của những “người trí thức luôn nặng lòng với sự tồn vong của nòi giống” (Văn Giá) ấy thật sự đã để lại cho người đọc nhiều dư vị xúc cảm.

 

Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Tản Đà, Ngọc Giao, Tô Hoài, Đinh Hùng, Vũ Ngọc Phan… viết về ẩm thực Hà Nội trong những năm đầu thế kỷ XX, thời buổi xã hội “Tây Tàu nhố nhăng”, xô bồ, thực dụng nhưng những trang văn của các ông luôn giữ được vẻ đẹp thanh tao, quý phái của văn hóa Hà Nội. Những tác phẩm từ Vang bóng một thời của Nguyễn Tuân, Hà Nội băm sáu phố phường của Thạch Lam, Thương nhớ mười hai Món ngon Hà Nội của Vũ Bằng, Thú ăn chơi người Hà Nội của Băng Sơn… đều lưu luyến về những giá trị thuần phương Đông mà đậm chất Hà Nội - Việt Nam, điển hình là nét tinh tế của nghệ thuật ẩm thực. Phải là những người con yêu thương, gắn bó với mảnh đất, con người Thủ đô và đặc biệt là trân trọng những giá trị văn hóa cổ truyền của dân tộc thì các tác giả mới những trang viết đằm thắm và sâu sắc như thế. 
 
Ai cũng biết rằng, “miếng ăn” là một vấn đề nhạy cảm và tế nhị, vậy mà Thạch Lam dành hẳn 18 bài tùy bút trong một tập sách 20 bài viết để viết về quà Hà Nội. Vũ Bằng dành nhiều tình cảm cho tập ký Miếng ngon Hà Nội.Nguyễn Tuân ít hơn, chỉ dăm ba bài (Phở, Cốm, Giò lụa, Những chiếc ấm đất, Chén trà sương, Hương cuội…) nhưng bài nào cũng độc đáo, đặc sắc. Hay những tác giả Phạm Thanh Hà, Phạm Phú Hiệp… đều dành cho những trang viết của mình một khoảng trời về ẩm thực Thăng Long - Hà Nội vừa yêu mến lại đầy tự hào.
 
Cuốn: “Tuyển tập tác phẩm về văn hóa ẩm thực Thăng Long – Hà Nội”.
 
Có nhiều món quà quen thuộc của nhiều địa phương trong cả nước, nhưng qua sự khéo léo và sành ăn của người Hà Nội, bao giờ cũng mang một phong vị riêng, đẹp hơn, ngon hơn. Vì vậy, những thức quà bình dân ấy luôn mang lại cho Hà Nội ba sáu phố phường sự thanh nhã, đặc sắc riêng. Các thức quà Hà Nội dưới ngòi bút của những người sành ăn, sành thưởng thức không chỉ là một món ăn thuần túy mà sâu hơn là những giá trị tinh thần, là “những nét đẹp văn hóa, không chỉ cho hiện tại mà còn lưu giữ cho đời sau”. Thạch Lam trân trọng và nâng niu biết bao khi nói đến hàng chục thứ quà mặn, ngọt của Hà Nội (phở, cháo, bún, xôi, miến lươn, giầy giò, bánh cuốn Thanh Trì, bánh xu xê, bánh cốm Hàng Than, bánh khảo, kẹo lạc…), Vũ Bằng lại bị cuốn hút bởi ngô rang, khoai lùi, Tô Hoài lại bị mê hoặc bởi rau thơm, cháo,... Đây không phải chỉ là sự liệt kê đơn thuần, mà còn là một sự cảm thụ tinh tế tất cả hương vị riêng, sức hấp dẫn riêng của mỗi loại quà, bánh và chỉ Hà Nội mới tạo được cho nó một hương vị riêng, một sức hấp dẫn như thế. Đến thời hiện đại, những món ấy cùng nét ẩm thực hiện đại tiếp tục làm nao lòng người, làm say đắm những cây bút tài hoa để rồi kết tinh thành Ngày xuân nói chuyện sen thắm hương nồng (Võ Thị Hảo), Cốc bia Hà Nội (Vũ Thế Long)… Qua ngòi bút tinh tế, tài hoa của mỗi tác giả, dường như người ta cảm thấy yêu hơn, trân trọng hơn, các món ăn truyền thống của dân tộc và hiểu rõ hơn vì sao chúng đã được nâng lên hàng gọi là văn hóa ẩm thực.
 
Đọc những tác phẩm viết về văn hóa ẩm thực Thăng Long – Hà Nội, người đọc không chỉ hiểu hơn, thấm hơn cái nét thanh lịch của người kinh kỳ mà còn hiểu sâu sắc rằng “ăn uống có khi là cả một nghệ thuật, mà hơn nữa có khi thành một tôn giáo”. Không phải cứ sơn hào hải vị, mâm cao cỗ đầy là ngon miệng, mà đôi khi, chỉ là mộtvài món ăn dân dã, nhưng trong nhiều hoàn cảnh, lại chứa đầy kỷ niệm. Miếng ăn không còn đơn thuần là miếng ăn, mà nó đã “vượt qua ranh giới vật chất để thành biểu tượng tinh thần khó quên”. Thế nên cốm vốn là thứ quà dân dã của đồng ruộng nhưng hầu hết các vùng quê khác lại không có, bởi thế mà thành thứ quà bình dị, tinh tế, tao nhã của riêng Hà Nội: “Cốm là thức quà đặc biệt riêng của đất nước, là thức dâng của những cánh đồng lúa bát ngát xanh, mang trong hương vị tất cả cái mộc mạc, giản dị và thanh khiết của đồng quê nội cỏ Việt Nam” và biết bao điều hay, nét đẹp khác nữa mà chỉ có đọc, trải nghiệm, thưởng thức với sự thức nhạy của giác quan người ta mới có thể thấu được. Đó là những điều tôi đã thấy khi đọc “Ẩm thực Thăng Long Hà Nội qua văn học hiện đại” trong “Tuyển tập tác phẩm về văn hóa ẩm thực Thăng Long – Hà Nội”.

 

 

Trà Giang

Nhà xuất bản Hà Nội

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)