Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 06/08/2014 11:10
Khám phá những bí ẩn khảo cổ học về Kinh thành Thăng Long qua cuốn sách ảnh “Kinh đô Thăng Long - Những khám phá khảo cổ học”

“Kinh đô Thăng - Những khám phá khảo cổ học” là đề tài do PGS.TS. Tống Trung Tín chủ biên sẽ trình bày một cách hệ thống và đầy đủ nhất về các di tích điển hình mới được phát lộ từ lòng đất, các loại hình hiện vật tiêu biểu đã khai quật được và những nhận định quan trọng của các nhà khoa học về giá trị nhiều mặt của những di tích đó. Hy vọng của nhóm tác giả đây sẽ là một tác phẩm nghệ thuật, giới thiệu với độc giả trong và ngoài nước về bề dày lịch sử của mảnh đất Thăng Long – nơi lắng hồn núi sông dân tộc. Cuốn sách được ấn hành sẽ là một cuốn tư liệu ảnh có giá trị và là quà tặng có ý nhĩa với thời gian cho các nhà khoa học và các nhà quản lý, phục vụ nhu cầu tìm hiểu về Thăng Long – Hà Nội của đông đảo bạn đọc.

 

Theo chủ biên cho biết, trong hơn bốn mươi năm qua, từ những năm 70 qua cuộc khảo cổ ở Quần ngựa và sau đó đến những cuộc khảo cổ ở thập niên 90 của thế kỷ trước với Đoàn Môn, Hậu Lâu, Bắc Môn… các nhà khảo cổ học với đam mê và tâm huyết đã đau đáu một khát vọng tìm cho ra những chứng cứ khoa học để dựng lại một Kinh thành Thăng Long xưa. Và gần đây, lòng đất Thăng Long – Hà Nội đã được mở ra từ những nhát cuốc của những nhà khảo cổ học, đã hé lộ dần những kho tàng vô giá của lịch sử, những bí mật về sự hình thành và phát triển hơn ngàn năm trước, đó là cuộc khai quật khảo cổ học năm 2002 tại 18 Hoàng Diệu. Đây là cuộc khai quật khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XXI ở phía tây điện Kinh Thiên. Nhờ đó, hàng trăm nền móng kiến trúc, công trình xây dựng dấu tích của con người khai thác tự nhiên, xây dựng các nền văn minh xưa, vượt qua những thách thức lớn lao đã được phát lộ. Do đó, hàng triệu cổ vật thuộc mọi thể loại phản ánh đời sống phong phú, thể hiện trí sáng tạo, bàn tay tài hoa khéo léo của con người Việt Nam và mối giao lưu cởi mở cũng như ý chí độc lập dân tộc được phát hiện. Với hàng triệu cổ vật quý giá được phát lộ, UNESCO đã công nhận Trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội là Di sản văn hoá thế giới.

Với mục đích khái quát các cuộc khai quật khảo cổ học trên đất Thăng Long – Hà Nội, qua những khối lượng di vật vô cùng phong phú và quý giá, đề tài sẽ tập hợp ngắn gọn nhưng súc tích, thể hiện đầy đủ các kết quả nghiên cứu, cùng những nhận định quan trọng của các nhà nghiên cứu lớn về Thăng Long xưa sẽ được chứng minh và tô điểm bằng những hình ảnh chân thật, sinh động, những bản vẽ công phu thể hiện sự tinh xảo và giá trị thẩm mỹ đích thực của các đồ vật, qua đó nhằm giúp người đọc hình dung được phần nào hình ảnh của một Thăng Long – Hà Nội trải qua những biến thiên của hàng ngàn năm và thành tựu của người Thăng Long – Hà Nội trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, tôn giáo, thương mại và giao lưu văn hoá. Cuốn sách sẽ đưa người đọc khám phá và vén mở dần những bí mật hàng nghìn năm ẩn mình trong lòng đất về một Thăng Long xưa từ những dấu tích nền móng cung điện, những đền đài miếu mạo, những dòng sông cổ, những con đường lát gạch vua đi…

Trên cơ sở đó, với số trang dự kiến 300, khổ 24x31cm, nguồn tư liệu chính chủ yếu là ảnh về hiện vật, ảnh di tích và bản đồ được sắp xếp và trình bày khoa học, logic theo nội dung của đề cương. Cuốn sách dự kiến sẽ trình bày những nội dung chính sau:

* Phần tổng quan: Thăng Long trong điều kiện tự nhiên thiên nhiên và tiến trình lịch sử. Trong phần này, căn cứ mục đích của đề tài, sẽ trình bày những nét khái quát, giới thiệu tổng quan về Thăng Long theo mặt tự nhiên và tiến trình lịch sử để có cái nhìn khái quát, giúp độc giả hình dung cụ thể về Thăng Long, khẳng định vai trò của Kinh đô Thăng Long, trong đó có đề cập đến thời kỳ tiền Thăng Long và sau Thăng Long.

* Phần nội dung chính sẽ triển khai theo 3 mảng với 3 chương:

Chương I.Trục trung tâm cấm thành Thăng Long

Chương II. Địa điểm 18 Hoàng Diệu – Phát hiện khảo cổ học lớn nhất Việt Nam đầu thế kỷ XXI ở phía tây điện Kính Thiên.

Chương III. Những chứng tích khảo cổ khác trong chỉnh thể cấu trúc Hoàng thành Thăng Long.

Đây là phần nội dung chính yếu của cuốn sách, với cách lựa chọn chia nội dung thể hiện theo trục không gian để thấy được những lát cắt cụ thể về Kinh đô Thăng Long qua các thời kỳ Lý - Trần – Lê sơ một cách đầy đủ và khái quát qua nguồn tư liệu ảnh về hiện vật, di tích và bản đồ với cách diễn đạt dễ hiểu, đại chúng nhưng đảm bảo tính khoa học. Do đó đòi hỏi ban biên soạn phải dành nhiều thời gian và công sức đầu tư cho đề tài.

* Phần kết: Những giá trị tiêu biểu của di sản Thăng Long. Giới thiệu những giá trị tiêu biểu của di sản Kinh đô Thăng Long, trong đó Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long có giá trị nổi bật toàn cầu đã được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới năm 2010. Ngoài gia, trong phần này sẽ khái quát thực trạng bảo tồn giá trị di sản, kiến nghị, cảnh báo với các cấp chính quyền trong việc bảo tồn, đối xử với di tích trong thực tế hiện nay.

Với những nội dung được thể hiện trong cuốn sách, Ban biên soạn bằng tâm huyết, trách nhiệm sẽ cố gắng khắc hoạ và tái hiện bức tranh cụ thể, chi tiết về một Kinh đô Thăng Long xưa phát triển phồn thịnh từ thế kỷ XI đến thế kỷ XVI dưới các triều đại Lý - Trần - Lê sơ. Qua những phát lộ khảo cổ học với những tàn tích còn lại sẽ lý giải về nguyên nhân và biến cố lịch sử khiến cho kinh đô Thăng Long nay đã phôi phai, nhạt nhoà dần vào dĩ vãng. Những dấu tích vô giá còn lại được phát lộ tuy không nhiều nhưng với khả năng và trí tuệ của những nhà khoa học tâm huyết, PGS.TS. Tống Trung Tín cùng cộng sự sẽ kể lại cho độc giả hôm nay câu chuyện bằng hình ảnh về một Kinh đô đẹp đẽ, tráng lệ và thanh lịch, với một nền văn minh Đại Việt toả sàng ra thế giới, để thế hệ hôm nay tự hào, với niềm tin khám phá, khôi phục những giá trị di sản vô giá của cha ông.

Trong buổi họp nghiệm thu đề cương chi tiết chiều ngày 1/8/2014, Hội đồng nghiệm thu đánh giá và kỳ vọng đề tài có giá trị trên nhiều phương diện (công bố khảo cổ học, nâng cao hiểu biết của người dân về di sản của Kinh đô Thăng Long, cảnh báo về cách đối xử của thế hệ hôm nay với những di sản, di tích vô giá của cha ông…). Hội đồng nghiệm thu với những nhận xét, góp ý cụ thể, sâu sắc là cơ sở giúp chủ biên cùng cộng sự tiếp thu, hoàn thiện đề cương chi tiết để cuốn sách được biên soạn và xuất bản theo yêu cầu của Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II. Nhóm tác giả hy vọng với những gì cuốn sách mang lại, sẽ góp phần vào việc gắn chắp các mảnh vỡ để truyền lại cho các thế hệ con cháu mai sau về truyền thống và hình ảnh huy hoàng của tổ tiên đất Việt. Cuốn sách sẽ sớm được ấn hành và ra mắt bạn đọc trong thời gian sớm nhất.


Phạm Nguyên Anh

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)