Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 03/09/2014 04:57
Đôi nét về chợ Thăng Long – Hà Nội trong ca dao tục ngữ

 Thăng Long – Hà Nội còn có tên nôm là Kẻ Chợ. Nơi đây xưa được coi như cái "chợ lớn" của nhiều "chợ quê", là nơi "đất lành chim đậu". Những nếp sống, thói quen, nghề nghiệp, rồi những tín ngưỡng, hội hè... mà người bốn phương mang từ làng quê ra đất Kinh kỳ đã tạo nên một không gian văn hoá Thăng Long phong phú và đa dạng. Có lẽ vì thế nên hình ảnh chợ Thăng Long – Hà Nội đã đi vào văn học dân gian rất phổ biến, đặc biệt là trong ca dao, tục ngữ.


Chợ không chỉ là nơi bán mua hàng hoá phục vụ cuộc sống của người dân mà còn là không gian văn hóa được thể hiện sinh động về đời sống của người dân đất kinh kỳ. Người đến đó có thể tha hồ mặc cả bán mua, xem hàng, có khi chỉ để nói chuyện, cười vui. Chính điều đó tạo nên những nét đặc sắc rất riêng của chợ quê Việt Nam nói chung của Thăng Long – Hà Nội nói riêng. Nói đến đô thị người ta hình dung ra cảnh bán buôn tấp nập với những chợ búa đông đúc. Câu tục ngữ dưới đây đã miêu tả thành công cảnh chợ búa tấp nập trong nội thành Thăng Long: “Bán mít chợ Đông, bán hồng chợ Tây, bán mây chợ Huyện, bán quyến chợ Đào”. Chợ Đông là chợ Cầu Đông thuộc khu vực phố Ngõ Gạch và phố Hàng Đường. Chợ Tây thuộc phố Kim Mã, chợ Huyện thuộc khu vực Nhà thờ Lớn, chợ Đào chính là phố Hàng Đào thuộc quận Hoàn Kiếm. Xưa kia, mỗi chợ bán một sản phẩm, điều đó hình thành rất nhiều chợ khác nhau.

Nhắc đến các chợ của nội thành ta không thể nào quên chợ Đồng Xuân:

Ước gì mình lấy được ta
Để cùng buôn bán chợ xa chợ gần
Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Kẻ buôn người bán xa gần thảnh thơi.
 
Nếu như các chợ Cầu Đông, chợ Huyện, chợ Đào chỉ bán riêng một loại sản phẩm thì chợ Đồng Xuân được coi như là một chợ “đầu mối” với rất nhiều các loại hàng hoá, sản phẩm đa dạng phong phú. Chính vì thế chợ Đồng Xuân được coi như là trung tâm mua bán của Thăng Long xưa:

Vui nhất là chợ Đồng Xuân
Thứ gì cũng có xa gần bán mua
Giữa chợ có anh hàng dừa
Hàng cam, hàng quýt, hàng dưa, hàng hồng
Ai ơi đứng lại mà trông
Hàng vóc, hàng nhiễu thong dong mượt mà
Cổng chợ có chị hàng hoa
Có người đổi bạc chạy ra chạy vào.

Thăng Long – Hà Nội còn được biết đến với “ba mươi sáu phố phường”. Xưa kia mỗi phố phường là nơi tập trung và sản xuất một mặt hàng thủ công truyền thống. Đó chính là những chợ “rất đặc trưng” mà ít có thủ đô nào trên thế giới có được. Đó cũng là nơi phát triển của nghề thủ công truyền thống Thăng Long – Hà Nội mà dân gian xưa đã lưu truyền “Khéo tay hay nghề đất lề Kẻ Chợ”

Hàng Bồ, Hàng Bạc, Hàng Gai
Hàng Buồm, Hàng Thiếc, Hàng Hài, Hàng Khay
Mã Vĩ, Hàng Điếu, Hàng Giày
Hàng Lờ, Hàng Cót, Hàng Mây, Hàng Đàn
Phố Mới, Phúc Kiến, Hàng Ngang
Hàng Mã, Hàng Mắm, Đình Ngang, Hàng Đồng
Hàng Muối, Hàng Nón, Cầu Đông
Hàng Hòm, Hàng Đậu, Hàng Bông, Hàng Bè
Hàng Thùng, Hàng Bút, Hàng Tre
Hàng Vôi, Hàng Giấy, Hàng The, hàng Gà…

Không chỉ có các chợ trong nội thành, và cũng không phải lúc nào người dân cũng đi chợ trong nội thành mà ở ngoại thành cũng có rất nhiều chợ quê bán những sản phẩm của làng quê mình như:

Giang Cao buôn gạo chợ Keo
Buôn khoai chợ Nhiễm bán rao đường làng.

Huyện Hoài Đức có chợ Trôi với phiên họp vào ngày hai mươi sáu tháng chạp âm lịch rất đông vui, đến nỗi dân gian xưa đã lưu truyền câu ca: “Bỏ con, bỏ cháu chớ bỏ hai mươi sáu chợ Trôi”. Chợ Võng Nội ở Phúc Thọ có phiên họp vào mùng hai, mùng năm, mùng bảy, mùng mười âm lịch hàng tháng cũng thu hút được đông đảo người dân trong vùng mà “Đánh chết chẳng chừa, bán bừa chợ Nội”.

Ngoài những chợ kể trên, ở các huyện ngoại thành còn có rất nhiều chợ nổi tiếng đã đi vào ca dao dân ca như chợ Đơ (Hà Đông), chợ Nghệ, chợ Mía (Sơn Tây), chợ Sơn Đồng (Hoài Đức), chợ Phùng (Đan Phượng), chợ Săn, chợ Nủa (Thạch Thất)… Bài ca dao dưới đây không chỉ thống kê mà còn miêu tả đặc điểm của các chợ đó:
 
Cầu Đơ là chợ đằng xuôi
Ngỗng, vịt cũng lắm, đồ chơi cũng nhiều
Tưởng rằng chợ Sái mỹ miều
Chỉ lắm hàng củi với nhiều hàng cơm
Chợ Nủa hàng giậm, hàng nơm
Chợ Trôi hàng vải, hàng rơm dãi dầu
Chợ Nghệ thì bán bò, trâu
The, đoạn cũng lắm, chúc bâu cũng nhiều
Sơn Đồng chợ họp về chiều
Chỉ lắm hàng sắn với nhiều hàng dao
Chợ Phùng hàng xén xiết bao
Chợ Gạch cũng lắm thuốc lào, nhang đen
Chợ Cốc nửa tháng sáu phiên
Chỉ nhiều ngô, đậu với nguyên củ từ
Thọ Lão chợ họp chần chừ
Lều quán chẳng có y như ngoài đồng
Lờ đờ chợ Triệu mà đông
Tưởng rằng có lớn mà không bán bò
Chợ Mía mới họp mà to
Mía vàng, mía đỏ bán cho lò đường
Bán nhiều nón là chợ Chuông
Trắng trời, trắng chợ ai thương đội đầu
Chợ Sêu bán hom, lá dâu
Bán nhộng, bán kén tơ màu xe dây.
 
Ngày nay, sự phát triển của nền kinh tế thị trường đã hình thành nên nhiều trung tâm thương mại, nhiều siêu thị cao cấp, siêu thị mini trong lòng thành phố với sự thuận tiện, đa dạng về loại hình và mẫu mã hàng hoá. Đó cũng là một trong những nguyên nhân làm cho nhiều chợ đã không còn nữa. Tuy nhiên vẫn còn những chợ cổ  tồn tại đến bây giờ cùng với thời gian nhưng đã có sự thay đổi về quy mô và các loại hàng hoá. Đặc biệt ở những khu vực ngoại thành “chợ quê” vẫn đang là một nét đẹp văn hoá rất riêng của làng quê Việt Nam nói chung của Thăng Long – Hà Nội nói riêng.

Có lẽ người dân "gốc" Hà Nội, hoặc những ai từng đôi lần đặt chân đến chợ Hà Nội xưa sẽ không thể nào quên được những cảm xúc, những ấn tượng thích thú và mới lạ khi tham dự những “phiên chợ” đặc biệt ấy. 
 
 
Tô Minh
 
Nhà xuất bản Hà Nội
Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)