Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 03/09/2014 05:04
Văn sách thi đình Thăng Long - Hà Nội: Niềm tự hào của tri thức và tài năng Việt Nam trong lịch sử

Trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến ra mắt với 100 đầu sách. Nằm trong mảng sách Tư liệu lịch sử của Tủ sách, bộ Văn sách thi đình Thăng Long – Hà Nội (tập 1 và 2) do PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ biên ra đời đã đón nhận được nhiều sự đánh giá cao của các nhà khoa học cũng như đông đảo độc giả và các nhà nghiên cứu.

 

Qua hai tập sách đã ra mắt, độc giả phần nào được biết đến một Việt Nam có lịch sử khoa cử của hơn 840 năm tính từ khoa thi đầu tiên năm 1075 thời Lý cho đến khoa thi cuối cùng năm 1919 thời Nguyễn. Gần một thiên kỷ, đã có trên 3.000 nhà khoa bảng được vinh danh từ các kỳ thi khác nhau. Qua nhiều kỳ thi đại khoa bậc cao nhất đã có biết bao nhiêu bài văn nghị luận tiêu biểu về các lĩnh vực chính trị xã hội, văn hóa, giáo dục… được đời sau khâm phục và sử dụng làm nguồn tư liệu quý cho công việc học tập, nghiên cứu và tu dưỡng bản thân. Hơn thế, những vị danh nhân khoa bảng ấy còn là niềm tự hào của tri thức và tài năng Việt Nam trong lịch sử. Việc biên dịch, giới thiệu những áng văn mẫu mực, những thành quả tinh hoa trí tuệ của người xưa cho hậu thế luôn là việc làm cần thiết và mang nhiều ý nghĩa. Chính vì lẽ đó tiếp nối sự thành công của 2 tập sách trước, Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội tập 3 đang được PGS.TS. Nguyễn Văn Thịnh chủ nhiệm đề tài tiến hành biên soạn và dịch thuật.

Nếu như ở hai tập trước với 24 bài văn sách Đình đối của 24 tác giả đều là người Hà Nội thì ở tập 3 này có tính độc lập, sẽ tập trung giới thiệu văn sách Đình đối của những cuộc thi Đình được tổ chức tại kinh đô Thăng Long. Tác giả của bài văn là những người tham dự kỳ thi Đình tại Thăng Long – Hà Nội. Với đối tượng nghiên cứu có bình diện rộng mở sẽ làm sáng rõ hơn về kinh thành Thăng Long cũng như sức thu hút của chốn kinh kỳ.

Chúng ta được biết văn sách Đình đối là thành tựu của kỳ thi Đình, là một kỳ thi đặc biệt, kỳ thi cao nhất trong khoa cử thời phong kiến do Hoàng đế trực tiếp chỉ đạo từ việc ra đề thi cho đến chấm bài, lấy đỗ, xếp Tam khôi. Bài thi chỉ làm tròn trong một ngày với khoảng 3.000 chữ. Với những áng văn hiện còn lại là của những người đỗ đầu các kỳ thi Đình với những áng văn nghị luận tiêu biểu có giá trị về văn học, sử học, chính trị… Đối với nghiên cứu lịch sử nó có ý nghĩa trong việc tìm hiểu thành tựu của chế độ khoa cử tuyển chọn nhân tài của thời Trung đại nước ta.

Bộ sách 2 tập trước gồm 24 bài văn sách thi Đình của các sĩ tử Thăng Long – Hà Nội trong 7 khoa thi từ thời Lê sơ đến triều Nguyễn. Trong đó triều Lê sơ có 2 bài, thời Mạc có 1 bài, Lê Trung hưng có 3 bài và nhiều nhất là triều Nguyễn có 18 bài. Đây là 24 bài trong số 100 bài văn sách thi Đình quốc gia còn lại của giáo dục khoa cử Việt Nam. Ở tập 3, nhóm biên soạn sẽ giới thiệu 13 tác giả được rải ra từ thời Lê sơ qua Mạc – Lê – Trung hưng. Trong giai đoạn này có thời Lê sơ – thời được coi là đỉnh thịnh của khoa cử và là thời phồn thịnh của văn chương khoa cử và có lẽ còn do sự ảnh hưởng của Luật Hồng Đức bởi văn thể Hồng Đức được các nhà Nho đánh giá là đặc trưng tiêu biểu cho văn sách thi Đình.

Về bố cục của cuốn sách dự kiến sẽ có phần mở đầu để giới thiệu các cuộc thi Đình tại Hà Nội. Sự kiện văn hóa đặc biệt này tạo nên nét đặc sắc của văn hóa khoa cử bao gồm lịch trình, điển chế và đặc trưng văn hóa của nó. Tiếp theo, nội dung chính của cuốn sách sẽ giới thiệu 13 bài văn sách thi Đình của 13 sĩ tử: Lương Thế Vinh; Nguyễn Đức Trinh; Vũ Kiệt; Lê Quảng Chí; Phạm Đôn Lễ; Nguyễn Quang Bật; Trần Sùng Dĩnh; Vũ Duệ; Vũ Dương; Nghiêm Viện; Nguyễn Văn Giai; Đỗ Cung; Lê Quý Đôn. Những bài văn sách Đình đối được chọn là những bài chuẩn quy – bài văn mẫu cho đời sau chứ không hẳn phải là bài hay. Hơn thế, do nguồn tư liệu còn lại không nhiều nên việc lựa chọn dịch có giới hạn cả số lượng và chưa phân bổ đều theo thời gian ở mỗi triều đại.

Nội dung trình bày của mỗi bài văn sách trong tập sách, đầu tiên là giới thiệu tiểu sử tác giả (có thể có ảnh vẽ chân dung, tượng hoặc nhà thờ, phong cảnh quê hương tác giả), sau đó là phiên âm Hán Việt, rồi dịch nghĩa, chú thích và cuối cùng là in nguyên văn chữ Hán.

Trước hiện trạng dịch thuật hiện nay, nhóm biên soạn đã chọn cách tiếp cận nghiên cứu văn sách Đình đối dựa vào nguồn tư liệu gốc còn lưu trữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm kết hợp với nguồn tư liệu hiện còn tại các gia đình, các di tích. Mặc dù Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội tập 3 mới đang ở giai đoạn biên soạn nhưng hứa hẹn là một cuốn sách hay không chỉ bởi cách tiếp cận đúng đắn mà còn do đội ngũ thực hiện là các chuyên gia Hán Nôm như PGS. TS. Nguyễn Văn Thịnh – người có tri thức Hán Nôm phong phú, sâu rộng; có khả năng nghiên cứu và biên dịch các văn bản, tác phẩm Hán Nôm, đặc biệt có kinh nghiệm trong việc tổ chức biên soạn sách; cùng với những người cộng tác như thạc sĩ Đinh Thanh Hiếu…

Sự ra đời của bộ sách Văn sách thi Đình Thăng Long – Hà Nội trọn vẹn 3 tập mang lại ý nghĩa to lớn trong việc giới thiệu, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống dân tộc. Nó không chỉ góp phần khẳng định niềm tự hào của tri thức và tài năng Việt Nam trong lịch sử mà còn là nguồn tư liệu quý giá giúp ích cho nhiều lĩnh vực nghiên cứu của hiện tại và tương lai đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục.


Đàm Ly

Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)