Giới thiệu Thể loại sách Sách điện tử Bạn đọc và NXB Các bài viết Kế hoạch đề tài Giao lưu trực tuyến Thư viện ảnh Thư viện Video
Tin tổng hợp Tin dự án Tin mới
Trang chủ     Nhà xuất bản    Các bài viết
Thứ tư, 03/09/2014 05:07
Địa bạ cổ Hà Nội - Công trình khoa học bắt nguồn từ một ý tưởng lãng mạn

Hơn 20 năm trước, PGS.TS Vũ Văn Quân khi đó là một nghiên cứu sinh được tham gia cùng với các giáo sư đầu ngành sử học thực hiện một công trình địa bạ có giá trị khoa học cho tới tận ngày hôm nay, đó là Địa bạ Hà Đông. Cũng bắt đầu từ đó, trong ông hình thành một ý tưởng “lãng mạn”: công bố toàn bộ tư liệu địa bạ về Thăng Long - Hà Nội phục vụ bạn đọc và người nghiên cứu. Nói đây là một ý tưởng lãng mạn bởi trong điều kiện lúc đó việc công bố tư liệu địa bạ trên địa bàn lớn như Hà Nội là điều không thể thực hiện. Giá trị của nguồn tài liệu địa bạ nằm ở việc cung cấp tư liệu, số liệu; việc trích dịch, tóm lược gần như không giá trị. Bên cạnh đó, địa bạ có khối lượng tư liệu khổng lồ, hàng chục nghìn trang chữ Hán. Việc dịch, hiệu đính và đưa tư liệu chính xác nhất đến bạn đọc là một công việc đòi hỏi nhân lực, thời gian và kinh phí rất lớn.

 

Tuy nhiên, ý tưởng lãng mạn ấy chưa bao giờ mất đi và đến hôm nay đã dần trở thành hiện thực khi PGS.TS Vũ Văn Quân đang chủ trì thực hiện đề tài “Tư liệu văn hiến Thăng Long - Hà Nội: Tuyển tập địa bạ cổ” thuộc cơ cấu Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến giai đoạn II.
 
Địa bạ là nguồn tài liệu Hán Nôm rất có giá trị trên nhiều phương diện khác nhau. Đây là tài liệu quan trọng để tìm hiểu về lịch sử văn hóa của từng địa phương. Địa bạ Thăng Long - Hà Nội từ lâu cũng đã trở thành đối tượng để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu quan tâm khai thác. Nhiều công trình địa bạ có giá trị đã được công bố, nhận được sự đánh giá cao như: Địa bạ Hà Đông, Địa bạ cổ Hà Nội (2 huyện Thọ Xương và Vĩnh Thuận). Tuy nhiên việc khai thác tư liệu địa bạ này mới chỉ dừng lại ở một vài khu vực, chưa bao quát toàn bộ được vùng đất Thăng Long - Hà Nội nhất là trong điều kiện Hà Nội đã được mở rộng như ngày nay. Công trình do PGS.TS Vũ Văn Quân chủ trì thực hiện nhằm mục tiêu trước hết là hoàn thiện nguồn tư liệu địa bạ về Thăng Long - Hà Nội. Tuyển tập lần này trên cơ sở tư liệu đã công bố về 2 huyện trung tâm của Thăng Long - Hà Nội (do GS. Phan Huy Lê chủ trì thực hiện trong giai đoạn I của Dự án Tủ sách), tiếp tục lựa chọn công bố tư liệu của 10 huyện xung quanh. (Đơn vị hành chính huyện lấy đơn vị của năm thành lập địa bạ 1805, không phải đơn vị hành chính hiện nay). Để đảm bảo thời gian, kinh phí, trên cơ sở huy động lực lượng thực hiện, công trình có sự kế thừa thành quả của các công trình địa bạ đã xuất bản (tiêu biểu là Địa bạ Hà Đông) và kế thừa thành quả của hạng mục điều tra sưu tầm tư liệu văn hiến Thăng Long cả giai đoạn I và II. 5/10 đơn vị huyện sẽ công bố tư liệu địa bạ chưa từng được công bố trước đó, 5/10 huyện còn lại sẽ bổ sung hoàn thiện nguồn tư liệu từ Địa bạ Hà Đông đã được công bố. Việc hoàn thiện này là cần thiết và có giá trị bởi Địa bạ Hà Đông cung cấp tư liệu địa bạ đã được xử lý, không phải nguyên văn địa bạ. Hơn nữa tư liệu đã cung cấp có nguồn từ lưu trữ của Viện Nghiên cứu Hán Nôm nên về số lượng không đầy đủ như tư liệu địa bạ lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ Quốc gia. Đơn cử như huyện Từ Liêm: Địa bạ Hà Đông công bố 43 quyển nhưng theo khảo sát của nhóm thực hiện tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia Từ Liêm có109 quyển địa bạ.
 
Với dung lượng đồ sộ bao gồm 10 tập (khoảng 9.000 trang), mỗi tập đều có kết cấu 3 phần (Tổng quan, Tư liệu dịch nguyên văn và Sách dẫn), Tuyển tập địa bạ cổ sẽ cung cấp cho bạn đọc, người nghiên cứu bức tranh tổng thể về diên cách địa phương có tư liệu địa bạ, sơ bộ những đánh giá về tình hình tư liệu và quan trọng nhất là nguồn tư liệu nguyên bản được dịch, chú thích đầy đủ và một hệ thống sách dẫn khoa học. Đây chắc chắn là nguồn tài liệu, là một bộ sách công cụ hữu ích đối với nhiều nhà nghiên cứu.
 
Với nhiều người, việc dịch địa bạ không khó tuy nhiên đây là công việc có đặc thù riêng. Ngoài khối lượng dịch thuật lớn là yêu cầu cao trong việc dịch chính xác tên địa danh, nhân danh. Đặc biệt với cùng một chữ có nhiều âm đọc hay với những tên ghép, tên Nôm sẽ đòi hỏi sự am hiểu, trình độ chuyên môn sâu, sự đầu tư khảo sát điền dã… Tuy nhiên, với một đội ngũ thực hiện giảu kinh nghiệm, khả năng chuyên môn cao dưới sự chủ trì của một nhà khoa học uy tín công trình chắc chắn sẽ đáp ứng sự mong mỏi của đông đảo độc giả và người nghiên cứu hiện nay. Chúng ta cùng mong chờ và trân trọng một ý tưởng lãng mạn đang trở thành hiện thực.
 
 
Lâm Hoàng
 
Nhà xuất bản Hà Nội

 

Tên đăng nhập
Mật khẩu
Tên truy cập (*)
Mật khẩu (*)
Xác nhận mật khẩu (*)
Email (*)
Họ và tên
Số điện thoại
Địa chỉ
Mã xác nhận (*)